Cuối năm, ngân hàng Hà Tĩnh “dốc” vốn cho sản xuất kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Thay vì để “chảy” vào các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro như bất động sản hay chứng khoán, vào dịp cuối năm, nguồn vốn của ngân hàng lại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước mùa kinh doanh cao điểm...

Cuối năm, ngân hàng Hà Tĩnh “dốc” vốn cho sản xuất kinh doanh

Dư nợ của các ngân hàng tăng đều vào cuối năm nhằm đẩy vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Vợ chồng anh Nguyễn Hòa - phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) bắt đầu mở hàng kinh doanh tạp hóa cách đây vài năm. Từ đó đến nay, dư nợ của anh chị ở Vietcombank Hà Tĩnh đã lên đến cả tỷ đồng. Nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cửa hàng này cũng cần ít nhất vài trăm triệu để nhập hàng Tết.

Anh Nguyễn Hòa cho biết: “Chúng tôi được vay vốn kinh doanh với lãi suất 7%/năm và được cấp vốn bổ sung theo nhu cầu (nằm trong hạn mức cho vay). Nhờ vậy mà cửa hàng khá chủ động vốn để “chạy” đủ doanh số bán hàng. Hết mùa kinh doanh cao điểm, chúng tôi lại chuyển doanh thu vào tài khoản gửi của Vietcombank quản lý”.

Cuối năm, ngân hàng Hà Tĩnh “dốc” vốn cho sản xuất kinh doanh

Từ sản xuất nông nghiệp, bổ sung vốn lưu động, giải quyết tiền hàng hay mua sắm cá nhân đều được các ngân hàng phục vụ với nhiều ưu đãi.

Thời điểm này, các ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản đã “chốt” tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, thị trường tín dụng không vì thế mà trầm lắng hay xảy ra tình trạng “tăng nóng” để “chạy theo” tăng trưởng. Tiền của ngân hàng đang “chảy” khá thực chất vào sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp...

Đầu tháng 11, Vietcombank “đón đầu” bằng việc hạ thêm 0,5%/năm lãi suất vay đối với tất cả các doanh nghiệp. Tại Hà Tĩnh, có khoảng 2.000 tỷ đồng vốn vay nằm trong khung giảm lãi.

Cũng nằm trong thời gian cao điểm kinh doanh, từ ngày 14/11- 31/3/2020, BIDV triển khai gói vay “Kết nối vươn xa” có tổng quy mô 10.000 tỷ đồng cho cả nước với lãi suất chỉ từ 7%/năm ở kỳ hạn 6 tháng và 7,5%/năm cho 6 tháng đến 12 tháng. Vietinbank với ưu thế sẵn về tín dụng cho thương mại - dịch vụ đã “chạy” chương trình ưu đãi phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng cuối năm.

Cuối năm, ngân hàng Hà Tĩnh “dốc” vốn cho sản xuất kinh doanh

Đây là thời điểm các doanh nghiệp tập trung nguồn vốn cao nhất cho khối lượng hàng hóa...

Ông Hoàng Văn Thiệu - Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh cho biết: “Vietinbank Hà Tĩnh luôn tích cực cho vay các ngành nghề và doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhằm đáp ứng vốn tốt nhất cho nhu cầu chính đáng để phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân”.

Ở khối các ngân hàng nhỏ như HDBank, ACB, MB... càng không nằm ngoài cuộc đua thị phần này. Thậm chí, MB Bank áp dụng lãi suất 6,25%/năm cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ ngày 13/11 trở đi); HDBank dành 10.000 tỷ đồng cho cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ đến hết 31/12/2019.

Cuối năm, ngân hàng Hà Tĩnh “dốc” vốn cho sản xuất kinh doanh

Và người dân cũng có nhu cầu mua sắm cao nhất trong năm.

Trên kênh tiêu dùng, thị trường tín dụng đang cùng chiều thuận với thị trường tiêu dùng. Chỉ số tiêu dùng càng sôi động thì tín dụng cũng sôi động theo với những gói vay trả góp trung dài hạn để mua sắm ô tô, xe máy; hay đơn giản chỉ là vay ngắn hạn để thỏa đáng nhu cầu một chiếc điện thoại, máy giặt, tủ lạnh...

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, năm nay, dư nợ vào những tháng cuối năm tăng cao hơn mọi năm. Tổng dư nợ vào cuối tháng 10 tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với tháng 9 và tăng thêm 550 tỷ vào cuối tháng 11; tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm gần 59,5% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay hay áp dụng các chương trình ưu đãi là tín hiệu tích cực cho người dân và doanh nghiệp, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Động thái này từ ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng thời kỳ vay vốn tốt nhất để phục vụ nhu cầu thanh toán tiền hàng, bổ sung vốn lưu động, tích trữ hàng tết...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast