Hà Tĩnh "bơm" mạnh nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Tính đến thời điểm này, dư nợ tín dụng đạt trên 43.300 tỷ đồng, tăng 7,15% so với đầu năm và cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 15%. Dòng vốn tiếp tục “rót” mạnh cho SXKD, tạo nên những yếu tố tích cực cho thị trường tài chính Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh “bơm” mạnh nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh

Tăng sức huy động nguồn vốn đã tạo được tiềm lực lớn để các ngân hàng "bơm vốn" cho nền kinh tế tốt hơn

Thời điểm này, dòng vốn tiếp tục “chảy” mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ - những dư địa hấp thu vốn tốt nhất. Riêng nông nghiệp, nông thôn chiếm đến 41% tổng dư nợ và 94% dư nợ các lĩnh vực ưu tiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của kinh tế Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Ngành ngân hàng đã thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thực hiện nghiêm túc cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tham gia phối hợp ban hành cơ chế, chính sách phục vụ phát triển KT-XH; xây dựng quy trình, thủ tục cho các đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo các chính sách. Tín dụng đi đúng chiều, đồng nghĩa với việc các lĩnh vực nhiều rủi ro khác sẽ hạn chế hơn, chất lượng tín dụng vì thế cũng tăng lên”.

Hà Tĩnh “bơm” mạnh nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh

Dòng vốn "rót" mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Với việc hình thành 2 chi nhánh ngân hàng loại I vào cuối năm 2018, Agribank Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh II trở thành trợ thủ đắc lực của Hà Tĩnh trong việc thực hiện chính sách “tam nông”, xây dựng NTM, đô thị văn minh. Hiện tại, cả 2 chi nhánh đã đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn khoảng 11.000 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hừng (thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh) làm trang trại chăn nuôi, trồng rừng từ năm 2001, cũng chừng ấy năm, ông biết tận dụng vốn ngân hàng để quay vòng sản xuất. “Ban đầu, chỉ 10 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Agribank Hà Tĩnh và số vốn tăng lên khi quy mô mở rộng thêm. Hiện nay, dư nợ tăng lên trên 1 tỷ đồng để đầu tư đàn lợn thịt 1.200 con. Không chỉ có vốn, chúng tôi còn được hưởng những chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp nên sản xuất tạo được giá trị thặng dư. Doanh thu của trang trại hàng năm xấp xỷ gần 1 tỷ đồng” - ông Hừng cho biết.

Hà Tĩnh “bơm” mạnh nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh

Những vườn cam bạc tỷ được xây dựng nên từ nguồn vốn của ngân hàng

Nghị định 116 về đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên 200 triệu đồng đang là điều kiện hấp dẫn cho tín dụng nông thôn mở rộng.

Việc giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên từ đầu năm nay của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra những tín hiệu tích cực về tăng trưởng tín dụng. Có khoảng 90% dư nợ tại Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV phục vụ cho SXKD. Cuộc đua này cũng kéo theo khối ngân hàng cổ phần như Liên Việt, HD Bank, ACB... để đẩy tín dụng vào thị trường bền vững.

Ông Nguyễn Trọng Tỏa - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Rising (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Lãi suất từ 6%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay là khá “mềm”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh”.

Hà Tĩnh “bơm” mạnh nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh

Dòng tiền của ngân hàng tiếp tục được "bơm" mạnh phục vụ phát triển nền kinh tế những tháng cuối năm 2019

Tín dụng chính sách mở ra bước ngoặt mới với việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khi tăng hạn mức và thời gian cho vay tối đa đối với hộ nghèo lên 100 triệu đồng/hộ. Đến nay, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt hơn 4.564 tỷ đồng, chiếm 9,97% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 1,74% so với cuối năm 2018, tập trung chủ yếu ở 8 chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm; hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Dòng tiền đi đúng hướng đồng nghĩa với việc tăng trưởng tín dụng luôn đi kèm với chất lượng tín dụng. SXKD vẫn là nơi hấp thụ vốn an toàn và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế địa phương.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.