Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh do Liên danh tư vấn TEDI – TRICC – TEDIS làm tư vấn.
Tiếp thu ý kiến của các sở, ngành tỉnh Hà Tĩnh về hướng tuyến, xác định vị trí ga tại các buổi làm việc trước đó (ngày 16/5 và 7/6/2018), đơn vị tư vấn đã điều chỉnh vị trí ga tại thành phố Hà Tĩnh (trước đó tư vấn đề xuất vị trí ga tại phường Thạch Linh, cách trung tâm TP Hà Tĩnh 1,5km về phái Tây Bắc) sẽ dịch chuyển ra phía Tây, ngoài tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Thạch Đài (Thạch Hà) .
Đại diện tư vấn báo cáo dự kiến phương án hướng tuyến, ga đoạn qua Hà Tĩnh
Về vị trí ga tại Kỳ Anh, đơn vị tư vấn đề xuất đặt tại xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh (trước đó đề xuất đặt vị trí ga tại phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh)
Về hướng tuyến đường sắt Bắc - Nam (đoạn Hồng Lĩnh - Cẩm Xuyên) sẽ cơ bản song song với quốc lộ 1A; đoạn Cẩm Xuyên - Kỳ Anh sẽ đi về phía Tây, qua hồ Mộc Hương, chạy cùng hành lang với tuyến đường tránh Kỳ Anh. Hướng tuyến sẽ cắt qua khu dân cư xã Kỳ Tân, xã Kỳ Hoa, cắt qua khu công nghiệp đa ngành.
Theo thuyết trình của tư vấn, vị trí ga được lựa chọn là các trung tâm đô thị của tỉnh hoặc thành phố, các trung tâm vùng. Hà Tĩnh là địa phương được ưu tiên đặt 2 vị trí ga (các tỉnh có đường sắt đi qua chỉ được đặt 1 ga). Từng vị trí ga được xem xét đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch đô thị của địa phương.
Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Hoàng Thanh Tùng: Đề nghị tư vấn cập nhật các quy hoạch, công trình dự án của tỉnh để có điều chỉnh phù hợp.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành, địa phương đánh giá cao vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của tuyến đường sắt cao tốc đối với sự phát triển KT-XH của cả nước và từng địa phương; đồng tình với đề xuất của tư vấn về hướng tuyến và vị trí ga; đồng thời, đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch, vùng dân cư, công trình, dự án cụ thể của các địa phương để có điều chỉnh phù hợp.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Phan Văn Trung: Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển KT-XH của địa phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của địa phương; bổ sung cập nhật các văn bản pháp lý. Về phần địa phương cũng sẽ có rà soát các quy hoạch, dự án, đảm bảo không gian và sự phát triển bền vững.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp của tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình chuẩn bị dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển KT-XH, QP-AN của cả nước nói chung, các địa phương nói riêng. Đây là quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 đã được phê duyệt năm 2002.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của địa phương, cập nhật các số liệu, hồ sơ chi tiết để hoàn thiện dự án, đảm bảo quy mô, chiến lược phát triển đường sắt quốc gia, phù hợp phát triển địa phương, phát triển bền vững.
Dự kiến tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường sắt tốc độ cao: Khổ đường tiêu chuẩn: 1435mm; Vận tốc thiết kế tối đa 350 km/h, vận tốc khai thác 320 km/h; Hướng tuyến: Sau khi vượt qua sông Lam, hướng tuyến đi thẳng sau đó rẽ trái cắt qua quốc lộ 8A, tránh khu đông dân cư thị xã Hồng Lĩnh. Hướng tuyến sau đó đi song song và bên phải quốc lộ 1A, cắt qua các đường tỉnh 06, 02, 03, đường tránh QL1A thành phố Hà Tĩnh và đi vào ven khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Từ ga Hà Tĩnh, hướng tuyến đi về phía Đông - Nam qua khu vực đồi thấp, đi song song và nằm bên phải quốc lộ 1A. Sau khi cắt qua sông Rác, hướng tuyến sẽ rẽ trái đi vào vùng đất nông nghiệp, vượt quốc lộ 1A và rẽ phải để đi vào khu vực quy hoạch dự án phát triển Vũng Áng và tiếp cận ga Vũng Áng (đặt tại xã Kỳ Hoa). Từ ga Vũng Áng, hướng tuyến đi thẳng về phía Đông Nam, sẽ cắt qua Quốc lộ 1A và tuyến tránh quốc lộ 1A sau đó tuyến sẽ băng qua khu vực núi để vào hầm vượt Đèo Ngang sang địa phận tỉnh Quảng Bình. |