Chiều 10/12, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh họp triển khai một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Các đồng chí UVBTV Tỉnh ủy, các phó trưởng ban, thành viên BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh tham dự.
Giai đoạn 2020-2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của hệ thống chính trị và hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã huy động được hơn 586 tỷ đồng xây mới 7.731 nhà, sửa chữa 658 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; đồng thời tuyên truyền, quán triệt chủ trương đến tận các địa phương, cơ sở. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 12/13 địa phương thành lập BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp huyện. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, tính đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh đã kêu gọi, huy động được trên 56 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ đã trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: các văn bản triển khai của Trung ương có sự chồng chéo giữa nhiệm vụ của MTTQ, ngành LĐ-TB&XH, ngành xây dựng; Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để xác định đối tượng hỗ trợ, do vậy, các địa phương chưa có căn cứ để triển khai rà soát, xác định chính xác danh sách chi tiết đối tượng hỗ trợ…
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, BCĐ tỉnh đã dự thảo kế hoạch trong thời gian tới, trong đó chú trọng công tác rà soát đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, mức hỗ trợ và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo để thực hiện.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng giao Sở LĐ-TB&XH - cơ quan giúp việc BCĐ phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ; tiếp tục rà soát, lập danh sách cụ thể các đối tượng có nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo đúng tiêu chí, trong đó, phải phân định rõ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách, gắn với đó là tham mưu lộ trình thực hiện cụ thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai xây dựng, đảm bảo đúng đối tượng. Các lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể tăng cường huy động lực lượng, đoàn viên, hội viên hỗ trợ các đối tượng trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu MTTQ tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về xóa nhà tạm, nhà dột nát để lan tỏa rộng rãi hơn nữa ý nghĩa nhân văn của chương trình.