ĐBQH Hà Tĩnh góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật lĩnh vực tài chính

(Baohatinh.vn) - ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật lĩnh vực tài chính và cho rằng các quy định sẽ tạo cơ chế linh hoạt hơn trong việc xử lý tài sản công, nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước.

Sáng 7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu các nội dung góp phần tăng cường hiệu lực và tính khả thi của dự án luật.

241107xv8thaoluanluatsua7luattaichinha1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận.

Quản lý Ngân sách nhà nước tránh “tiền trảm hậu tấu”

Thảo luận sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu nêu khoản 3 Điều 4 bổ sung điểm d vào khoản 5 Điều 19, quy định về việc giao Chính phủ tổ chức thực hiện các dự toán chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết. Theo quy định này, Chính phủ sẽ định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng ngân sách.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng việc bổ sung này có thể dẫn đến những bất cập như có thể dẫn đến tình trạng “chi trước, báo cáo sau”, tức là Chính phủ chi trước và báo cáo sau, gây khó khăn cho công tác kiểm soát ngân sách. Đại biểu đề nghị cần xác định rõ các nguyên tắc và tiêu chí để xác định các khoản chi phát sinh, bảo đảm tính cấp thiết và phù hợp với quy định pháp luật.

241107xv8thaoluanluatsua7luattaichinha2.jpg
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận tại Kỳ họp.

Tương tự, tại khoản 4 Điều 4 quy định về việc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các khoản chi không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng vẫn phải báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân về kết quả chi. Đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng “tiền trảm, hậu tấu”.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí xác định các khoản chi phát sinh. Theo đó, các khoản chi phải mang tính cấp thiết, cấp bách hoặc quan trọng.

Hoàn thiện chuẩn mực kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số

Thảo luận sửa đổi sửa đổi Luật Kế toán; đại biểu cho ý kiến về việc bổ sung khoản 3a, Điều 71. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm ban hành chế độ kế toán cho các tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm bảo đảm sự tuân thủ các chuẩn mực kế toán theo quy định. Điều này được cho là cần thiết bởi đặc thù của các TCTD khác biệt so với các loại hình đơn vị khác.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh rằng các TCTD thực hiện các giao dịch tài chính với khách hàng có những quy trình và đặc điểm riêng, đòi hỏi phải có quy định riêng phù hợp với thực tiễn hoạt động. Hiện có một số vướng mắc liên quan đến chữ ký, mẫu chứng từ và quy trình lưu chuyển chứng từ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

241107xv8thaoluanluatsua7luattaichinha3.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

Đại biểu dẫn chứng khoản 3, Điều 19 Luật Kế toán hiện hành quy định chứng từ kế toán chi tiền phải do người có thẩm quyền duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc yêu cầu chữ ký của kế toán trưởng trên chứng từ chi tiền của khách hàng có thể không cần thiết, dẫn đến gia tăng khối lượng chứng từ lưu trữ và chi phí vận hành cho cả khách hàng và TCTD.

Đại biểu đề xuất cần có sự linh hoạt hơn trong quy định này, nhằm giảm bớt gánh nặng về quy trình, thủ tục cho các TCTD và các doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bổ nhiệm kế toán trưởng

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán. Một số doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, không có nhân sự kế toán cố định trong khi những doanh nghiệp có nhân viên kế toán thường xuyên thay đổi nhân sự, gây khó khăn trong việc thực hiện chứng từ, đặc biệt là khi giao dịch với ngân hàng.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng chế độ kế toán đơn giản cho phép chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm chức danh kế toán trưởng tại mức doanh thu cao hơn quy định hiện hành. Theo Điều 8, Chương 1 của Thông tư 132/2018/TT-BTC, các doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng, nhưng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vừa vẫn còn thấp so với thực tiễn.

Cụ thể, doanh siêu nhỏ trong nông nghiệp, thủy sản có số lao động không quá 10 người và doanh thu không quá 3 tỷ đồng. Mức quy định này không phản ánh đúng thực tiễn kinh tế hiện nay. Việc cho phép chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm kế toán trưởng sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quản lý tài chính.

Hoàn thiện phạm vi đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực

Về Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng dự thảo mở rộng đối tượng kiểm toán đến các doanh nghiệp và tổ chức có quy mô lớn, cụ thể là các doanh nghiệp có từ 200 lao động tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tổng doanh thu hàng năm từ 300 tỷ đồng trở lên. Đại biểu đồng ý với quan điểm mở rộng đối tượng kiểm toán nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về chi phí và nguồn lực mà các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra cho việc kiểm toán.

Đại biểu nhấn mạnh, mặc dù việc mở rộng này nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của các doanh nghiệp nhưng cần làm rõ lý do và mục đích cụ thể của việc kiểm toán mở rộng. Nếu không, điều này có thể dẫn đến tình trạng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo ra áp lực lớn về chi phí cho các doanh nghiệp.

Đại biểu đề xuất cần xác định phạm vi đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để cho tương đồng với các quy định tại Điều 37 luật Kiểm toán độc lập hiện hành.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Tiếp nhận 44,5 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội

Tiếp nhận 44,5 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định, kinh phí hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp là nguồn lực quý giá góp phần giúp Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chương trình an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Thủ tướng: Xây dựng sân bay Gia Bình với yêu cầu '3 nhất'

Thủ tướng: Xây dựng sân bay Gia Bình với yêu cầu '3 nhất'

Sáng 10/12, tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình - sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân Việt Nam.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.