Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu thảo luận tại hội trường.
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2021 Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và đạt được một số kết quả quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa và triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các kế hoạch 5 năm, trong đó gắn với tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được điều hành linh hoạt, triệt để tiết kiệm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá so với các năm trước; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tiếp tục được đẩy mạnh; quản lý, khai thác nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội thảo luận tại hội trường (ảnh: Quang Đức)
Từ thực tế và nhất là qua đợt giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề nghị Quốc hội quan tâm một số vấn đề:
Thứ nhất, việc chậm ban hành, sửa đổi, hoặc ban hành nhưng không sát thực tế các quy định cũng gây nên sự lãng phí. Theo quy định tại khoản 3, Điều 54, Luật Nhà ở ngày 25/11/2014 và khoản 2, Điều 26 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội có nội dung: “Chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê; sau thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê thì chủ đầu tư được phép bán quỹ nhà ở này”. Thực tế tại các đô thị loại 2, loại 3 nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất ít, như trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay dự án thí điểm nhà ở xã hội vẫn còn hơn 80 căn hộ cho thuê nhưng không ai thuê, trong lúc đó có hơn 350 đơn xin mua nhưng không có để bán, đây là sự lãng phí lớn.
Thứ hai, một số quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, được ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh. Theo báo cáo thì có 60% định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật đã phù hợp với quốc tế và khu vực nhưng hiện nay vẫn còn cao so với thực tế, nên dễ dàng thấy được chi phí đầu tư giữa công trình công với công trình tư chênh nhau rất nhiều, điều này cũng là một phần dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu dự án.
Ví dụ như, các công trình trường học, hội quán, đường giao thông nông thôn… nếu lập đầu tư công thì chi phí rất lớn phần nhiều bởi các chi phí gián tiếp và định mức cao, còn nếu xã hội hoá, người dân, doanh nghiệp tự thực hiện thì chi phí thấp hơn nhiều.
Thứ ba, việc sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã, sáp nhập các cơ quan đơn vị là một kết quả rất đáng trân trọng trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau sáp nhập việc xử lý các trụ sở, trường học, công trình công cộng đang là một vấn đề rất lãng phí. Mặt khác, các cơ quan sau khi xây dựng trụ sở mới để phù hợp với yêu cầu công việc, việc giải quyết trụ sở cũ rất lâu do các thủ tục hành chính, có những cơ quan đã chuyển đổi 4 -5 năm sau chưa giải quyết được, vừa gây lãng phí tài sản công vừa gây mất mỹ quan đô thị.
Thứ tư, những năm gần đây giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở và đất công nghiệp và tổ chức đấu giá. Giá đất cao, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không thể có tiền đấu giá. Dẫn đến nhiều diện tích đất chuyển thành đất ở nhưng khi đấu giá thì không thành đất ở, từ đất sản xuất thành đất để hoang. Do đó, đề nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai cần đặc biệt quan tâm nội dung này.