Tác dụng thức tỉnh và thu hút của bản đề cương là ở toàn bộ nội dung của nó, nhưng nổi bật nhất là ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Những luận điểm cơ bản đó phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là kết quả vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Mác - Lênin, Hồ Chí Minh để định hướng cho cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa khi cách mạng giải phóng dân tộc đang trong thời kỳ quyết liệt. Về sau, năm 1951, ba tính chất của nền văn hóa Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức nêu ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Là một văn kiện lịch sử mang tính cương lĩnh về văn hóa, đề cương văn hóa Việt Nam như một bó đuốc soi đường dẫn dắt các đảng viên, các chiến sĩ văn hóa cùng với toàn dân chuẩn bị xây dựng một nền văn hóa mới của một nhà nước dân chủ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Toàn bộ đề cương toát lên tinh thần văn hóa giải phóng và giải phóng văn hóa. Nó đã được mọi người chấp nhận rất nhanh vì đã giải tỏa những mơ hồ trăn trở, xua tan những bi quan yếm thế, gạt bỏ những lệch lạc, sai lầm ở không ít người trong giới văn hóa - văn nghệ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã trở thành động lực mạnh mẽ của cả một phong trào rộng lớn đấu tranh cho một nền văn hóa mới Việt Nam.
Nội dung các khái niệm trong đề cương văn hóa không ngừng được mở rộng và nâng cao để phù hợp với các giai đoạn cách mạng tiếp theo nên đề cương càng có sức sống lâu bền với văn hóa - văn nghệ hiện đại Việt Nam. Chống giặc dốt đi đôi với chống giặc đói và giặc ngoại xâm trong những năm sau Cách mạng tháng Tám; xây dựng đời sống mới trong các cuộc kháng chiến trường kỳ trước đây, chẳng những vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn tác động trực tiếp vào cuộc vận động văn hóa mới sau đề cương. Đặc biệt là các nghị quyết về văn hóa - văn nghệ, mà tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới là Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chân trời văn hóa dân tộc ngày một mở rộng.
Chưa bao giờ trình độ dân trí của nhân dân ta được nâng cao như sau gần 30 năm đổi mới. Cũng chưa bao giờ các phong trào văn hóa - văn nghệ đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như khi đất nước bước vào thời kỳ CNH-HĐH. Tiếng nói văn hóa - văn nghệ Việt Nam ngày càng vang xa trên diễn đàn quốc tế, qua các cuộc giao lưu văn hóa khu vực và trên thế giới.
Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II năm 2013. Ảnh: Anh Hoài |
CNH-HĐH đất nước trong thời kỳ mở cửa, việc giao lưu quốc tế mở rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực, trong các lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh sự gia nhập những tinh hoa văn hóa thế giới còn kéo theo nhiều sản phẩm văn hóa độc hại ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Bởi vậy, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, góp phần tạo thế đứng vững chắc của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, nền văn hóa nước ta luôn luôn đứng trước những thử thách quyết liệt. Các thế lực xâm lược luôn tìm mọi cách áp đặt văn hóa ngoại lai vào Việt Nam, âm mưu đồng hóa để dễ bề thống trị. Nhưng thật đáng tự hào, bản sắc văn hóa Việt Nam đã có sức bền vững, sức đề kháng đến kỳ diệu, làm thất bại mọi âm mưu đồng hóa của các thế lực thù địch. Dân tộc ta đã tỏ rõ bản lĩnh văn hóa của mình, xứng đáng là một dân tộc có hơn bốn nghìn năm văn hiến. Bản sắc ấy tồn tại cho đến ngày nay và luôn tỏa sáng, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam thời hiện đại.
Lễ hội cầu ngư tại làng biển Nhượng Bạn. Ảnh: Giang Nam |
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố nội sinh, động lực của phát triển và cũng là mục tiêu của CNXH. Trong thời đại quốc tế hóa sản xuất và đời sống ngày càng gia tăng, sự nghiệp CNH-HĐH được đẩy mạnh, vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Để mất văn hóa dân tộc hay làm cho bản sắc văn hóa dân tộc mờ nhạt, bị lai căng, pha tạp thì dân tộc không còn sức sống, thậm chí không còn tồn tại như một quốc gia dân tộc nữa. Hiểu được điều đó, nhìn lại những diễn biến qua 70 năm vận dụng đề cương văn hóa, văn kiện đầu tiên về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa và cống hiến của nó qua mỗi chặng đường lịch sử. Những bài học đó vẫn có ý nghĩa to lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng - văn minh,