“Đêm trăng rơi” - Nỗi niềm da diết của ca nương phường vải

(Baohatinh.vn) - Mang đến trại sáng tác âm nhạc, ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh và dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016 với tác phẩm Đêm trăng rơi da diết, trữ tình, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân còn mang đến tình cảm, niềm yêu lớn với đất và người Hà Tĩnh.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh vinh dự có cuộc gặp gỡ với nhạc sỹ ngay khi tác phẩm ra mắt khán, thính giả...

- Với cảm quan của một nhạc sỹ có nền tảng lý luận âm nhạc vững chắc, ông có thể lý giải vì sao vùng đất Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tiếp tục có những tác phẩm âm nhạc say đắm lòng người, sống mãi qua thời gian?

Có thể nói, ghi nhận qua thực tế trên các vùng miền trong cả nước, Hà Tĩnh là địa danh có nhiều tác phẩm âm nhạc hay, da diết. Hà Tĩnh là miền “biên viễn”, “phên dậu” và cũng là đất “giang sơn tụ khí”. Đây là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du... có nhiều dòng họ, dòng tộc, chí sĩ, nhà văn hóa, nhà yêu nước cách mạng nổi tiếng.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ cảm xúc với PV Báo Hà Tĩnh.

Không chỉ thế, di sản cha ông để lại cho Hà Tĩnh là ví, giặm, đã được UNESCO công nhận. Ngoài ví, giặm, còn có kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh phong phú; đây còn là nôi ca trù, chưa kể đến các loại hình văn nghệ dân gian, không gian diễn xướng khác... được truyền đời, duy trì và phát triển qua bao thế hệ. Đây là kho tàng vô tận để các nghệ sỹ có cảm hứng, chất liệu để đi sâu, nghiên cứu, chắt lọc và sáng tạo.

Và trong các yếu tố, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Người Hà Tĩnh nói riêng, miền Trung nói chung dưới điều kiện thiên nhiên, xã hội, đấu tranh qua nhiều thập kỷ đã tôi luyện nên phẩm chất, khí phách đáng ngưỡng mộ. Người Hà Tĩnh yêu quý và trân trọng con người, chân thực và mến khách khiến mỗi văn nghệ sĩ dù chỉ một lần đến hay nhiều lần đến vẫn luôn thấy xúc động và tràn trề cảm xúc.

Lực lượng văn nghệ sỹ Hà Tĩnh qua các thời kỳ cũng rất đông đảo, từ nhà thơ đến nhà văn, nhạc sỹ, nhà văn hóa dân gian, người đọc lời cho các làn điệu. Lực lượng biểu diễn của Hà Tĩnh cũng rất dồi dào... Chính sự hợp tác giữa nhạc sỹ và văn nghệ sỹ đã mang đến những kết quả tốt đẹp.

- Vậy theo nhạc sỹ, các nhạc sỹ trong nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng cần phải làm gì để khai thác tinh hoa dân ca Nghệ Tĩnh vào sáng tác mới?

Để khai thác tinh hoa dân ca nói chung, dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng, không gì bằng việc học tập thực tế, học tập dân gian; truyền thông quảng bá những giá trị dân gian đích thực trong sinh hoạt cộng đồng. Cố gắng gìn giữ và duy trì bằng nhiều hình thức sinh động, bằng việc tham gia những sinh hoạt nguyên cổ vào các dịp lễ tết, hội mùa, hội làng... Muốn có tác phẩm hay, chính mỗi nhạc sỹ phải chủ động tìm hiểu, học tập và nghiên cứu, đi thực tế, sáng tác. Mỗi tác phẩm phải là một sự đầu tư nghiêm túc, nghiên cứu, tìm tòi sâu của các tác giả.

Hát ví phường vải. Ảnh: Giang Nam

Đặc biệt, phải chú trọng khai thác những khía cạnh mà các nhạc sĩ đi trước chưa sử dụng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và bút pháp, giọng điệu riêng của tác giả... đồng thời khai thác các đề tài lịch sử, danh nhân văn hóa, truyền thống quê hương. Lịch sử Hà Tĩnh qua các thời kỳ, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... với nhiều gương anh hùng, lãnh tụ cách mạng làm rạng danh vùng đất này chính là kho tàng vô tận để các nhạc sỹ khai thác. Phải tiếp thu, chọn lọc, nâng cao tinh hoa của cha ông để lại trong nghệ thuật diễn xướng, không để đánh mất “từ trường” của âm nhạc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, kết hợp hài hòa giữa nhạc điệu và ca từ. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến lực lượng sáng tạo và bồi dưỡng tiềm năng thế hệ trẻ như các nhạc công, nhà thơ, nhà văn...

- Tác phẩm mới “Đêm trăng rơi” của ông đã sử dụng giai điệu gì? Thông qua nhạc phẩm đó, nhạc sỹ muốn gửi gắm điều gì tới khán, thính giả?

Đêm trăng rơi là tác phẩm được tôi phổ nhạc từ lời thơ của nhà thơ Đức Ban, tham gia trại sáng tác âm nhạc, ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh và dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016. Đây cũng là lần đầu tiên tôi hợp tác với nhà thơ Đức Ban. Đêm trăng rơi là câu chuyện kể về mối tình của cụ Nguyễn Du khi còn thanh niên trong một đêm đi nghe hát phường vải. Đó cũng là người phụ nữ đeo đẳng suốt cuộc đời cụ Nguyễn. Từ những tình tiết cụ thể qua câu chuyện tình yêu của cụ, tôi muốn nâng nó lên tình yêu vĩnh cửu, bất diệt. Tác phẩm được viết bởi âm hưởng ca trù - đặc sản của quê cụ Nguyễn và hơn ai hết, chính cụ cũng là người yêu da diết dân ca quê mình, đi qua nhiều vùng đất hát ví, giặm.

Thông qua tác phẩm, tôi muốn tôn vinh tấm lòng thủy chung, tình yêu bất diệt, tính nhân văn cao cả, sự trân trọng với cụ Nguyễn và tình yêu với con người, nhà thơ lớn.

- Xin trân trọng cảm ơn nhạc sỹ!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói