Đền thờ Nguyễn Liên đón bằng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia

(Baohatinh.vn) - UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa phối hợp với xã Thanh Lộc và con cháu dòng họ tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Liên.

Sáng 17/12, huyện Can Lộc phối hợp với xã Thanh Lộc, cùng con cháu dòng họ tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Liên. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, cùng lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Can Lộc trao bằng công nhận cho địa phương và dòng họ.

Các tài liệu chính sử và gia phả dòng họ cho biết, Nguyễn Liên, hiệu Trạc Phong, tên chữ Huy Lộ, sinh năm Giáp Thân (1824), là người có tư chất thông minh và hiếu học. Năm 16 tuổi, do nhà nghèo, Nguyễn Liên phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có ở huyện Đức Thọ.

Chủ nhà nơi ông đi ở gần với lớp học do cụ Đầu phủ Đoàn, là một danh sư mở ra để dạy học cho con em trong vùng. Vốn là người thông minh, những lúc rãnh rỗi ông thường đứng ngoài lớp học nghe giảng bài. Cụ Đầu phủ thấy thế nên giúp đỡ cho ăn học.

Đền thờ Nguyễn Liên ở xã Thanh Lộc (Can Lộc).

Đến kỳ thi Hương (Ân khoa) được tổ chức tại Nghệ An vào năm Tự Đức thứ nhất (1847), Nguyễn Liên dự thi và đỗ cử nhân. Sau đó, Nguyễn Liên được bổ nhiệm làm quan lần lượt trải qua các chức vụ: Huấn đạo huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh (1866); Quyền Nhiếp huyện Nghi Lộc - Nghệ An (1869); Tri huyện Bố Trạch - Quảng Bình; Biên tu Quốc Sử quán (1873) ở Kinh đô Huế; Tri phủ Bình Giang, Hải Dương (1881).

Năm Tân Tỵ (1881), ông được triệu về kinh đô Huế bổ nhiệm chức Tế tửu Quốc Tử giám và đến năm 1883 được thăng Hồng Lô Tự khanh kiêm chức Tế tửu.

Năm Kỷ Sửu (1889), lúc này đã 65 tuổi, ông xin về trí sĩ nhưng triều đình không chấp thuận. Sau đó, ông tiếp tục được giao giữ chức Đốc học Quảng Nam. Đến năm 1894, ông được triều đình chấp thuận cho nghỉ hưu.

Lễ rước bằng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Liên diễn ra vào sáng nay (17/12).

Trải qua 40 năm quan trường, Nguyễn Liên có những đóng góp to lớn cho đất nước, trong đó nổi bật là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm Kỷ Dậu (1909), Nguyễn Liên qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Sau khi mất, con cháu và dân làng lập đền thờ phụng và gọi là “Trạc Phong Nguyễn Công từ”. Hằng năm, đến ngày 12/3 âm lịch vào ngày giỗ kỵ của ông, con cháu khắp mọi miền đất nước tụ họp về và tổ chức nghi lễ tế trang trọng, tưởng nhớ đến công lao của bậc tiền nhân, người làm rạng danh quê hương và dòng họ Nguyễn ở Thanh Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh).

Ghi nhận và tôn vinh công lao của cử nhân Nguyễn Liên với đất nước, ngày 4/11/2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 3231/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Đền thờ Nguyễn Liên là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói