Đến với "Mưa Xuân" của Nguyễn Bính

Mưa xuân

Em là con gái trong khung cửi,

Dệt lụa quanh năm với mẹ già.

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

*

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ

Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

*

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng tay lại giữa thoi xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh

*

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh

Thế nào anh ấy chẳng sang xem

*

Em xin phép mẹ vội vàng đi

Mẹ bảo: Xem về kể mẹ nghe

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê

*

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm

Em mải tìm anh chẳng thiết xem

Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

*

Chờ mãi anh sang anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng

*

Mình em lầm lụi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

*

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về qua ngõ

Mẹ bảo: Mùa xuân đã cạn ngày.

*

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ hội Đặng đi qua ngõ,

Để mẹ em rằng: hát tối nay?

“Mưa xuân’’ được nhớ đến như một thi phẩm đánh dấu sự xuất hiện của Nguyễn Bính trên văn đàn năm 1936. Hiếm có tác phẩm đầu tay nào như vậy,ngay từ những vần thơ đầu tiên đã đạt đến độ toàn bích và cũng là một biểu tượng cho hồn thơ Nguyễn Bính - mộc mạc, dân dã nhưng vô cùng tinh tế.

Bài thơ là câu chuyện kể về cô gái quê hẹn hò, tìm gặp với chàng trai thôn Đoài trong đêm hát chèo của làng nhưng không thành. Những xôn xang chờ đợi được đáp trả bằng sự lỡ hẹn và hình ảnh cô gái buồn tủi trở về trong đêm lạnh. Không chỉ ở đây, mà trong nhiều sáng tác khác, Nguyễn Bính cũng viết nên thơ bắt đầu từ ‘’một cái sự nào đó’’. Bởi thế mà chất tự sự luôn nối dòng, trải dài trên từng trang thơ của ông.Và tiếng thơ lại được cất lên từ lời kể lệ sự tình. Một yếu tố vừa lạ vừa quen làm nên sức hấp dẫn riêng trong thơ Nguyễn Bính.

’Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa’’

Bài thơ mở ra bằng một khung cảnh êm đềm. Ba chữ “trong khung cửi’’ vẽ ra cả không gian riêng, thế giới riêng của cô gái. Câu thơ thứ hai như là lời tường thuật về cuộc sống hàng ngày êm ả, bình yên của cô gái bên mẹ già. “Dệt lụa quanh năm’’ và cứ thế cô gái lớn dần lên bên khung cửi nhỏ. Vẫn nằm trong mạch tự thuật, cách nói ‘’lòng trẻ còn như cây lụa trắng’’là hình ảnh so sánh đầy chất phác nhưng vẫn ánh lên niềm tự hào của một tấm lòng trẻ tinh khôi.

Cái duyên với mưa xuân đã được trao cho Nguyễn Bính ngay từ những nét bút đầu tiên:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.

Hai câu thơ ngắn bảy chữ đủ để Nguyễn Bính nói lên được cảnh sắc đất trời vào xuân ở làng quê Bắc Bộ. Mùa xuân trong ông không phải gợi lên từ sắc đỏ rực rỡ của những cành đào, hay sắc vàng lung linh của hoa mai mà gắn với hoa xoan, một biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Mưa xuân đến, không chỉ giăng tơ cho đất trời và những hạt mưa ‘’phơi phới bay’’ kia còn giăng tơ cho cả lòng người. Đất trời vào xuân, và xuân sắc ấy đánh thức xuân tình, gọi dậy cả những xốn xang đầu tiên trong lòng người thiếu nữ. ‘’Bữa ấy’’ là cái mốc của đời người, đưa nhân vật trữ tình từ cô bé bên khung cửi lớn bổng lên thành cô gái với những rung động đầu đời.

Cái dáng vẻ e ấp của cô thôn nữ đã được Nguyễn Bính viết lên bằng những vần thơ hết sức ý nhị, đầy khéo léo:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng tay lại giữa thoi xinh

Hình như hai mà em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Từng dòng thơ chính là tiếng lòng thổn thức, sự ngập ngừng của tâm hồn lần đầu biết rung động. Những đong đưa rất khẽ của một trái tim mới lớn đã nghiêng bóng soi mình bên vần thơ Nguyễn Bính. Chỉ là ‘’hình như’’, “ có lẽ’’ không ồn ào và cũng không quá lớn lao,chỉ là những cảm giác mơ hồ, thoảng qua nhưng rất thật.Từ khung cửi nhỏ ‘’ dệt lụa quanh năm’’ đó,cô bước ra với đất xuân, với trời xuân và cả với những ‘’tình xuân’’ vừa chớm nở trong lòng. Và này đây, cái háo hức, hân hoan khi đêm hội chèo sắp đến.

‘’Bốn bên hàng xóm đã lên đèn

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh

Thế nào anh ấy chẳng sang xem’’

Sự tin chắc sẽ gặp được chàng trai mình để ý, đã làm bước chân cô gái nhỏ đến đêm hội vội vàng hơn, và khoảng cách giữa thôn Đông, thôn Đoài dường như so ngắn lại, chỉ ‘’ cách có một thôi đê’’.

‘’Em xin phép mẹ vội vàng đi

Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê’’

Đêm hội vui, nhưng cảm giác hạnh phúc được gặp người mình mong chờ còn vui hơn thế. Bỏ mặc đêm hội chèo mùa xuân, cô mải miết, hồi hộp ngóng tìm:

‘’Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm

Em mải tìm anh chả thiết xem

Chắc hẳn đêm nay khung cửi lạnh

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em’’

Đáp lại sự mong ngóng của cô gái là sự lỗi hẹn của chàng trai. Đằng sau tấm lòng khấp khởi, mừng vui, chờ đợi của cô gái là một cuộc hẹn không thành.

‘’Chờ mãi anh sang anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng’’

Lời hẹn của đêm hội trước đã gieo hạt mầm hy vọng để cô gái đoán chắc rằng ‘’Thế nào anh ấy chẳng sang xem’’. Sự hò hẹn không thành hiện thực đó đã làm uổng cả một đêm hội chèo rộn rã, phụ tấm lòng hân hoan của người con lại, cả trong phút chốc ‘’mùa xuân cũng nhỡ nhàng’’.

Hình ảnh người con gái mang theo cả sự lỗi hẹn trở về trong đêm khuya với bao buồn tủi, đã được Nguyễn Bính khắc họa rất thực và cũng rất thơ:

Mình em lầm lụi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về qua ngõ

Mẹ bảo: mùa xuân đã cạn ngày.

Trái với những mong chờ, những vội vàng, háo hức ban đầu là những tức tưởi, tủi duyên, tủi phận ở hai khổ thơ trên. Cùng một khung cảnh đất trời ấy nhưng phần sau đã tạo ra bức tranh hoàn toàn tương phản. ‘’Một thôi đê’’ nay dài ra theo sự thất vọng là ‘’một dải đê’’. Những hạt mưa phơi phới bay mời gọi cô đến đêm hội, thì nay khi trở về ‘’áo mỏng che đầu mưa nặng hạt’’. Lỗi hẹn với em, cũng là lỗi hẹn với mùa xuân. Sự lỗi hẹn phụ phàng làm cho khoảng cách giữa thôn Đoài và thôn Đông, giữa anh và em đâu còn tính bằng ‘’một thôi đê’’ mà là “mùa xuân đã nhỡ nhàng’’, giờ là khoảng cách của vời vợi xuân qua.

‘’Xuân tình’’ trong lòng trái tim vừa mới chớm nở đã vội tàn và xuân sắc kia của đất trời cùng không còn thắm, tất cả đã ‘’nhỡ nhàng’’. Cô thôn nữ lại trở về ‘’ trong khung cửi’’, lại về với thế giới con gái của mình,chỉ là thôi không còn những xôn xang của lần đầu hò hẹn. Thế nhưng hi vọng vẫn chưa ngừng tắt, cô gái như thủ thỉ,tâm tình với chàng trai trong mộng, mang theo cả khát khao hò hẹn cho những xuân sau.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ,

Để mẹ em rằng: hát tối nay?

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!