Một chốt kiểm tra y tế ở Ấn Độ. (Ảnh: Diario AS)
Theo trang mạng worldometer.info, tính đến 8h sáng 20/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 22,55 triệu ca bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó hơn 789.900 ca đã tử vong (tương đương khoảng 5%). Hơn 15,28 triệu ca đã hồi phục cho thấy tỷ lệ hồi phục là 95%.
Trong số hơn 6,47 triệu ca đang được điều trị thì có khoảng 1% trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 5,69 triệu ca mắc bệnh và hơn 176.200 ca tử vong. Mỗi ngày quốc gia này vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp theo là Brazil, với hơn 3,46 triệu ca mắc và hơn 111.100 ca tử vong. Ấn Độ, điểm nóng dịch bệnh thứ 3 thế giới, ghi nhận hơn 2,83 triệu ca mắc và hơn 53.900 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn tiếp tục nóng hơn khi số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này vẫn không ngừng tăng mạnh, thường trực ở mức hơn 60.000 ca/ngày trong khi số ca tử vong trong ngày cũng liên tục dao động xung quanh mức 1.000.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với hơn 6,71 triệu ca mắc bệnh và hơn 252.000 ca tử vong. Ba quốc gia chịu tác động mạnh nhất khu vực này gồm Mỹ, Mexico (hơn 531.000 ca mắc và hơn 57.700 ca tử vong) và Canada (hơn 123.000 ca mắc và hơn 9.000 ca tử vong). Tiếp sau Bắc Mỹ là châu Á với hơn 2,9 triệu ca mắc và hơn 124.900 ca tử vong.
Trong đó, ba quốc gia đứng đầu khu vực gồm Ấn Độ, Iran (hơn 350.200 ca mắc và hơn 20.000 ca tử vong) và Saudi Arabia (hơn 302.000 ca mắc và hơn 3.500 ca tử vong). Đứng thứ 3 thế giới là khu vực Nam Mỹ với hơn 5,48 triệu ca mắc và hơn 181.600 ca tử vong. Đứng đầu khu vực này vẫn là Brazil, tiếp đến là Peru với hơn 549.000 ca mắc và hơn 26.000 ca tử vong, và Colombia với hơn 502.000 ca mắc và hơn 15.900 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày 19/8, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly thông báo kể từ ngày 1/9 tới, quốc gia Bắc Phi sẽ yêu cầu tất cả du khách nhập cảnh nước này phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) âm tính với virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Madbouly cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Trước đó, Ai Cập chỉ yêu cầu chứng nhận xét nghiệm PCR đối với một số du khách, không bao gồm công dân Ai Cập, khi nhập cảnh tại một số khu vực, trong đó có thủ đô Cairo. Kể từ đầu tháng 7, Ai Cập đã bắt đầu nối lại các chuyến bay quốc tế sau gần 4 tháng đóng cửa không phận do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến hết ngày 19/8, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 96.914 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 5.197 bệnh nhân tử vong.
Trong khi đó, tối 19/8, giới chức Thái Lan đã phủ nhận về việc nước này có thể sớm hứng chịu đợt dịch COVID-19 thứ hai sau khi phát hiện 2 trường hợp có kháng thể COVID-19, dù đã trải qua thời gian cách ly 14 ngày.
Đây là lần đầu tiên sau 86 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thái Lan phát hiện trường hợp COVID-19 mới dù đã cách ly đủ 14 ngày. Bộ Y tế Thái Lan cho biết cả 2 bệnh nhân mới được phát hiện này đều đã được nhập viện và khả năng họ có thể lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng là rất thấp. Giới chức y tế cũng khẳng định đây không phải là đợt dịch COVID-19 thứ hai tại nước này.