Chăn nuôi nông hộ không nên tái đàn trước dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành
“Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Tĩnh đang có chiều hướng tiếp tục lan rộng, uy hiếp hàng trăm ngàn con lợn tại các địa phương. Việc tái đàn trong thời điểm hiện nay là hết sức mạo hiểm nhất là đối với chăn nuôi nông hộ” - lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT – cây trồng vật nuôi huyện Can Lộc Đoàn Minh Lương cũng khuyên: Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, bởi vậy, các hộ chăn nuôi nông hộ không nên tái đàn vì nhiều yếu tố rất khó kiểm soát, phòng chống nên đàn lợn dễ mắc bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường
“Bài học mới đây cho thấy, một hộ chăn nuôi ở xã Thuần Thiện bỏ ra gần 50 triệu đồng mua hơn 60 con lợn giống về nuôi vỗ béo chờ đến dịp tết Nguyên đán xuất chuồng với hi vọng bán được giá cao. Thế nhưng, đàn lợn mới đưa về nuôi được hơn 2 tuần thì “dính” phải dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn trên” – ông Lương cho biết thêm.
Tương tự, ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cũng có hộ dân tái đàn trong bối cảnh dịch tả lợn đang hoành hành và đàn lợn đã bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại về kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Thiện Toàn cho hay: Cẩm Bình là địa phương có số hộ chăn nuôi lợn nông hộ lớn nhất tỉnh từ 7 – 10 nghìn con. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ ngày 18/5/2019 cho đến nay, toàn xã có tổng số lợn bị chết và tiêu hủy hơn 600 con. Hiện dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và nguy cơ đang tiếp tục phát tán lan rộng.
Do thiếu hụt nguồn nên giá thịt lợn hơi trong những ngày gần đây tăng đột biến
Cũng theo ông Toàn, chăn nuôi lợn là nghề truyền thống cho thu nhập chính của người dân nơi đây. Những ngày gần đây, giá lợn tăng cao khiến nhiều người chăn nuôi "nóng ruột” nên muốn tái đàn để xuất bán vào dịp tết. Để hạn chế thấp nhất về thiệt hại, xã Cẩm Bình đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không tái đàn trong thời gian đang xẩy ra dịch tả lợn châu Phi.
Trong hai tuần gần đây, giá thịt lợn trên địa bàn Hà Tĩnh tăng đột biến từ 47.000 đồng lên 58.000 đồng/kg. Nguyên do được cho là nhu cầu thị trường thiếu hụt thịt lợn bởi dịch tả lợn châu Phi.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Khắc Khánh cho rằng: Hiện, một số trang trại lớn địa bàn tỉnh đang đầu tư tái đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp cuối năm. Mặc dù các trang trại này đều chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp trong phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng nên việc tái đàn trong cơn “bão” dịch của các trang trại cũng phải hết sức cẩn trọng.
Các cơ sở quy mô lớn chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học cố gắng đàn lợn được an toàn trước cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi
“Hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Tĩnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài việc tiêu hủy gần 16.000 con thì dịch đang uy hiếp trên địa bàn tỉnh với tổng đàn hơn 180.000 con. Theo đó, các địa phương tuyệt đối không được nhập lợn từ địa bàn khác vào vùng dịch để chăn nuôi lợn.
Ngoài ra, trong thời gian có dịch các trại nuôi, đặc biệt là chăn nuôi hộ chưa nên tái đàn tránh những thiệt hại không đáng có. Thay vào đó, các địa phương tiếp tục tổ chức giám sát theo dõi diễn biến dịch bệnh để có các phương án xử lý kịp thời” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Khánh khuyến cáo.