Hiện nay, TP Hà Tĩnh có tổng đàn lợn hơn 6.700 con, chủ yếu nuôi gia trại, quy mô nhỏ. Dù tổng đàn không nhiều nhưng TP Hà Tĩnh là địa bàn có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, lưu lượng vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua địa bàn rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tự giết mổ nhỏ lẻ không có sự kiểm soát của lực lượng thú y. Do đó, địa phương xác định nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn là rất cao.
HTX Chăn nuôi tổng hợp Đồng Môn xây dựng một tuyến đường riêng để đưa lợn ra ngoài khi xuất bán nhằm hạn chế việc xe cộ ra vào khu chăn nuôi.
“Để chủ động đối phó với tình hình, Thành ủy Hà Tĩnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi, UBND thành phố ban hành công văn hướng dẫn công tác tuyên truyền bổ cứu các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đồng thời, địa phương thành lập đoàn liên ngành kiểm tra trực tiếp để hướng dẫn người chăn nuôi triển khai ngay các biện pháp phun tiêu độc khử trùng, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường…” - Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh Trần Hậu Tuấn cho hay.
HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung xã Thạch Đồng bình quân mỗi ngày giết mổ từ 40 - 50 con lợn, chủ yếu của các hộ kinh doanh giết mổ thuộc địa bàn xã Thạch Đồng, Thạch Trung, Thạch Môn. Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, từ nhiều tuần nay, HTX đã có nhiều biện pháp khẩn trương phòng chống dịch như chủ động mua vôi bột rải đều trên khắp trong và ngoài khu giết mổ, đồng thời liên hệ với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố để được hỗ trợ thêm hóa chất, hướng dẫn các biện pháp phun tiêu độc khử trùng...
Công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại đang được triển khai thường xuyên tại TP Hà Tĩnh
Với quy mô xây dựng trên diện tích 5 ha, nuôi thả 2.000 con lợn, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đồng Môn hiện là một trong những mô hình chăn nuôi lợn lớn nhất của TP Hà Tĩnh. Giám đốc HTX Nguyễn Chính Cảnh cho biết: “Trước nạn dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ cao hoành hành, HTX đã chủ động phòng chống dịch xâm nhập. Theo đó, cùng với việc xử lý vôi bột trên toàn bộ diện tích, mỗi ngày, cơ sở đầu tư hơn 1 triệu đồng thực hiện phun tiêu độc khử trùng… Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiến hành xây dựng một hệ thống đưa lợn ra ngoài khi xuất bán để hạn chế việc xe cộ ra vào khu chăn nuôi. Đồng thời, bố trí người chốt chặn ngay cửa ra vào nhằm kiểm tra, kiểm soát và khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua…”.
Là địa phương có quốc Lộ 1A chạy qua, trước đây từng xuất hiện các ổ dịch trên đàn lợn như tai xanh, lở mồm long móng…, những ngày này, phường Đại Nài đang xem nhiệm vụ đối phó với dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
“Hiện nay, trên địa bàn phường có tổng đàn lợn khoảng trên 200 con, chủ yếu các hộ nuôi nhỏ lẻ. Để phòng chống dịch bệnh, phường đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền về phòng chống dịch bằng nhiều kênh thông tin” – Chủ tịch UBND phường Đại Nài Nguyễn Xuân Hương cho biết.
TP Hà Tĩnh đã cung cấp 120 lít hóa chất dự phòng Bencocid và i-ốt hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng.
Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, TP Hà Tĩnh tiếp tục khuyến cáo các địa phương tăng cường biện pháp bao vây ngăn dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, thực phẩm qua địa bàn. Đồng thời, cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn thành phố.
Đặc biệt, bám sát các “kịch bản” theo diễn tiến của dịch bệnh để xử lý kịp thời; tích cực phun tiêu độc khử trùng; cấm người và các phương tiện từ bên ngoài đi vào khu vực chăn nuôi; cán bộ chuyên môn đến tận chuồng để hướng dẫn bà con về cách phòng chống bệnh, chăm sóc đàn lợn trước nguy cơ bùng phát dịch…