Dù khiếm thị nhưng vợ chồng anh chị Thành-Minh ở xã Hương Trà (Hương Khê) vẫn “giỏi” lao động sản xuất để vun vén cuộc sống giá đình
Cách đây 15 năm, anh Nguyễn Tất Thành (SN 1984) và chị Đoàn Thị Minh (SN 1977) ở thôn Đông Trà, xã Hương Trà (Hương Khê) nên duyên vợ chồng sau khi được gặp nhau tại lớp học dạy nghề tẩm quất do Hội người mù Hà Tĩnh tổ chức.
Vượt qua mặc cảm của những con người không nhìn thấy ánh sáng, khoảng cách địa lý xa hàng chục km và sự chênh lệch tuổi tác, họ đã đến với nhau bằng tình yêu thương chân thành và sự vun vén, động viên của hội cùng những người đồng cảnh.
Phó Chủ tịch Hội người mù Hà Tĩnh Phạm Thị Thùy (giữa) đến động viên, thăm hỏi gia đình hội viên Thành-Minh
Từ nghề được dạy, nguồn vốn vay ưu đãi của hội, vợ chồng anh đã mở Cơ sở xoa bóp bấm huyệt Thành Minh, mỗi ngày đều đặn 8-9 lượt khách (giá 50.000đ/lượt). Cùng với đó, anh chị còn chịu khó trồng 300 gốc cây ăn quả có múi trong vườn, nuôi 3 bò nhốt và 100 con gà/lứa… mang về nguồn thu nhập đáng mơ ước đối với người khiếm thị (hơn 200 triệu đồng/năm).
Bằng tình yêu lao động, ý chí vươn lên và sự giúp đỡ, động viên của các cấp hội, anh chị Thành-Minh đã có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang, nuôi dạy 3 con khỏe mạnh, ăn học đầy đủ.
Còn anh Lê Hữu Tuệ ở xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh) thì mãi tri ân: “Trân trọng lắm, đáng quý lắm! Chúng tôi luôn được hội giúp đỡ về mọi mặt, từ dạy nghề, cho việc làm, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, rèn dũa ý chí vươn lên đến xây dựng gia đình, lập nghiệp, trưởng thành… Nếu không có Hội Người mù Hà Tĩnh, vợ chồng chúng tôi đã không có cơ hội đến với nhau, cũng chẳng bao giờ có được cuộc sống như ngày hôm nay”.
Nụ cười rạng rỡ của gia đình anh Lê Hữu Tuệ và chị Nguyễn Thị Bích Hồng (cùng bị khiếm thị) khi cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc...
Anh Tuệ cũng “bật mí”: Sau khi học nghề và được tạo việc làm trong 9 năm, Hội Người mù Hà Tĩnh đã cho cho vay tiền và động viên, hỗ trợ vợ chồng tôi ra mở cơ sở riêng. Sau 5 năm “ở riêng”, chúng tôi đã có một cơ sở tẩm quất khá tốt ở xã Thạch Trung (thành phố Hà Tĩnh) với 6 nhân viên là những người cùng cảnh ngộ. Khách đến ủng hộ khá đông nên đủ việc làm, đảm bảo thu nhập cho người làm và có phần dôi dự để xây nhà ở quê và một chút “của để giành”.
Nhiều năm qua, Hội Người mù các cấp ở Hà Tĩnh đã không ngừng cố gắng để làm cầu nối xe duyên, tạo điều kiện cho người khiếm thị quen biết, tìm hiểu, tiến đến xây dựng gia đình. Đến nay, trong số 4.393 hội viên thì đã có gần 50% lập gia đình. Trong đó, đáng chú ý có gần 1.000 chị em có được niềm hạnh phúc riêng tư và 115 chị được hưởng thiên chức làm mẹ.
Hội Người mù Lộc Hà tổ chức Tết Trung thu và tặng quà cho các cháu nhỏ bị mù và con em hội viên trên địa bàn...
Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Tĩnh Phạm Thị Thùy khẳng định: "Cùng với tăng cơ hội tìm kiếm bạn đời cho người khiếm thị, chúng tôi cũng đã tập trung hỗ trợ hội viên cải thiện chất lượng cuộc sống, vun vén hạnh phúc gia đình bằng cách cho vay vốn làm ăn (vốn ủy thác trên 10 tỷ đồng); trang bị kiến thức nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; tạo việc làm từ xoa bóp bấm huyệt, làm tăm, bện chổi, nuôi ong...
Ngoài ra, hàng năm chúng tôi còn xâu nối, hỗ trợ làm 7-10 nhà ở kiên cố cho các gia đình khiếm thị. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là gia đình khiếm thị giảm xuống còn khoảng 17%, số hộ khá ngày càng tăng lên”.