Điện Biên - Còn mãi những ký ức hào hùng

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất chiến trường Điện Biên Phủ ngày nào nay đã lột xác trở thành đô thị khang trang, hiện đại. Nhưng với biết bao cựu chiến binh đã từng sống, chiến đấu tại mảnh đất này đều không thể nào quên những ngày tháng oanh liệt “máu trộn bùn non”, “gan không núng, chí không mòn”... của 63 năm về trước. Vào ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi lại có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những chiến sĩ Điện Biên năm ấy…

dien bien con mai nhung ky uc hao hung

Đội pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Mường Nhé, chúng tôi tìm về bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé - nơi chiến sĩ Điện Biên Vi Văn Ngọc đang vui hưởng tuổi già sau khi cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho cách mạng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi, người cựu chiến binh đã ở vào cái tuổi “bát thập” như nhanh nhẹn hẳn lên khi nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy.

Ông Ngọc cho biết, nhập ngũ năm 1953 khi vừa tròn 22 tuổi, ông được biên chế vào Quân khu Tây Bắc. Là lính mới nên khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ông không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng lại được phân công nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng. Bấy giờ ông cũng không biết nơi mình bảo vệ là cơ quan đầu não của toàn chiến dịch, chỉ biết nhiệm vụ của trung đội mình là tuần tra, canh gác vòng ngoài, báo động khi máy bay giặc tới bắn phá… Anh em đa phần đều là lính mới nhưng ai nấy đều nghiêm túc, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chiến dịch vào giai đoạn căng thẳng, máy bay địch điên cuồng bắn phá từ đèo Tằng Quái đến khu vực Nà Nhạn, Nà Tấu bây giờ. Ông cùng đồng đội lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng báo động khi có máy bay hoặc người lạ xâm nhập. Đến ngày toàn thắng, ông lại cùng đồng đội vào thu dọn chiến trường. Hân hoan trong niềm vui chiến thắng nhưng nhìn chiến trường ngổn ngang, ông cũng không khỏi xót xa khi tự tay an táng những người đồng đội ngã xuống. Càng đau xót hơn khi có những đồng đội hy sinh nhưng thân thể không còn nguyên vẹn, có người còn không xác định được danh tính. Mỗi lần như thế trái tim ông như thắt lại, nghẹn ngào. Lúc ấy, người lính trẻ Vi Văn Ngọc tự hứa với bản thân sẽ cố gắng sống, chiến đấu sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội…

Sau chiến thắng, ông lại cùng đồng đội lên đường tiễu phỉ trừ gian dọc khắp khu vực biên giới từ Mường Nhé, Mường Tè, Bình Lư, Sa Pa… rồi mới về Mường Nhé công tác, xây dựng gia đình từ đó đến nay. Dù tuổi đã cao, lại ở xa chiến trường xưa, nhưng mỗi lần ra TP. Điện Biên Phủ, ông Ngọc không khỏi bồi hồi: Chiến trường năm xưa ngổn ngang hố bom, hàng rào dây thép, đến cây cối cũng thương tích đầy mình mà nay san sát những ngôi nhà cao tầng, đường phố khang trang, đời sống người dân ngày một no ấm, đủ đầy… Những thứ đó có được phải đánh đổi xương máu của biết bao chiến sĩ, tôi chỉ mong thế hệ trẻ ngày nay sẽ luôn trân trọng và không bao giờ quên những hy sinh đó…

Cuộc trò chuyện với ông Ngọc làm chúng tôi nhớ đến một cựu chiến binh cũng đã từng “khoét núi, ngủ hầm” “mưa dầm, cơm vắt”… Vào một ngày đầu tháng 5, chúng tôi được nghe ông Trần Đình Năm, tổ dân phố 5, phường Sông Đà, TX. Mường Lay kể lại tháng ngày gian khổ ông cùng đồng đội chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch, ông được biên chế vào Đại đội hỏa lực 12 ly 7 của Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tham gia trận đánh ác liệt trên đồi A1.

Do vị trí đặc biệt quan trọng nên quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chọi nhiều lính tấn công. Đồng thời, Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng.

Trong khi đó, hỏa lực của bộ đội ta so với địch thì kém xa nên trong đợt tiến công lần 1, Trung đoàn 174 của ông đã phát động 4 đợt tiến công liên tục mà cũng chỉ chiếm được 1/2 đồi, khi đó đơn vị ông đã hy sinh hơn một nửa. Cuộc chiến ngày một cam go, ác liệt, giữa ta với địch giành giật nhau từng gốc cây, ụ đất… Nhiều đồng đội của ông kiên cường chiến đấu, sẵn sàng đối diện với cái chết chứ nhất định không để địch chiếm lại đồi A1. Trận chiến cứ ở thế giằng co cho đến khi các thủ trưởng quyết định cho anh em đào hầm ngầm, đặt gần 1 tấn bộc phá để phá hủy công sự của địch.

Ngày 6/5, tiếng bộc phá nổ vang trời, làm hiệu lệnh tổng tiến công. Bấy giờ ông cùng đồng đội chẳng quản nguy nan, nhảy khỏi công sự, lao lên tiêu diệt địch, chiếm thành công đồi A1. Chẳng kịp mừng công, ông lại cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu, với quyết tâm giương cao ngọn cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng giặc.

Để có được chiến thắng “chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 không thể không nhắc đến những chiến công của lực lượng thanh niên xung phong. Chúng tôi tìm đến nhà bà Mai Thị Thạch, trú tại tổ dân phố 3, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ một trong những chứng nhân lịch sử của tháng ngày hào hùng ấy.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà tham gia vận chuyển đạn dược, lương thực cho bộ đội đánh Pháp. Tuổi đã cao nhưng không khi nào bà Thạch quên những đêm cùng đồng đội hành quân xuyên qua các cánh rừng, phát cây rừng, đào hầm trú ẩn, tránh máy bay địch. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập bởi địch thả bom, phục kích, bắn pháo sáng… nhưng không làm cho tiểu đội bà chùn bước. Bà cùng động đội luôn tâm niệm: Phía trước mình là chiến trường ác liệt, bộ đội cần đạn dược, lương thực, thuốc men… từng giây, từng phút. Chỉ chậm một chút thôi cũng có thể ảnh hưởng đến cả chiến dịch, chậm một chút thôi cũng sẽ có đồng đội ngã xuống… Suy nghĩ đó đã thôi thúc bước chân của bà đi nhanh hơn, vượt qua hiểm nguy, gian khó để vận chuyển nhu yếu phẩm đến chiến trường.

Những câu chuyện kể của chiến sĩ Điện Biên năm xưa như ông Ngọc, ông Năm hay bà Thạch đều là những tư liệu vô cùng quý giá để lớp lớp thế hệ đi sau có thể hiểu được phần nào về 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Mong rằng thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, trân trọng bao xương máu ông cha đã đổ để đổi lấy độc lập, tự do như ngày hôm nay.

Theo Báo Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.