Diệt côn trùng: Đừng dùng thuốc, đây mới là cách hiệu quả và an toàn

Thuốc diệt côn trùng tiện lợi trong việc loại bỏ ruồi, muỗi, kiến, gián… ra khỏi nhà, song chúng cũng rất độc hại cho sức khỏe con người khi tiếp xúc.

Những hoạt chất độc hại khó lường

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay, chỉ riêng ở các thành phố lớn và các khu du lịch đều trang bị trong nhà một đến vài bình thuốc xịt diệt côn trùng như muỗi, gián, kiến... Tuy nhiên, thực tế có rất ít người chú ý đến các hoạt chất của các thuốc này là gì, những nguy cơ có thể gặp khi sử dụng, những ảnh hưởng lên sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường sống. Thuốc diệt côn trùng hay thường gọi thuốc trừ sâu, tiếng Anh là insecticide, được hiểu là các chất vô cơ hay hợp chất hữu cơ, có tác dụng giết chết, hấp dẫn hay xua đuổi côn trùng gây hại.

Trên thị trường có nhiều loại thuốc của nhiều hãng khác nhau nhưng đều có thành phần hoạt chất tương tự nhau, thường là Tetramethrin, Cypermethrin, Iminoprothrin, Prallethrin, Permethrin (chất hóa học tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroid) hay Propoxur (nhóm Carbamate). Propoxur là một chất ức chế không hồi phục men Cholinestarase ở động vật (kể cả người). Khi Cholinesterase bị ức chế, hệ thần kinh tự chủ sẽ hoạt động quá mức và không kiểm soát dẫn đến tử vong. Thường mỗi bình thuốc kết hợp 2 hoạt chất của nhóm Pyrethroid. Tỷ lệ phần trăm thể tích của các hoạt chất dao động từ 0,05% đến 0,5%, còn lại là chất phụ gia tạo hương và dung môi.

Diệt côn trùng: Đừng dùng thuốc, đây mới là cách hiệu quả và an toàn

Thuốc diệt côn trùng có nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe con người.

Ngoài tác dụng diệt côn trùng, các thuốc này với hàm lượng nhất định sẽ có tác dụng lên con người, vật nuôi và môi trường. Thuốc có thể gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết các động vật thủy sinh. Tác dụng nguy hiểm nhất, đã được ghi nhận trong y văn bởi các chuyên gia y tế là khả năng gây ngộ độc cấp tính ở người, nếu nạn nhân tiếp xúc với một lượng thuốc đáng kể trong thời gian ngắn.

Các thuốc Pyrethroid nói chung ít nguy hiểm, nhưng có thể đe dọa tính mạng nạn nhân nếu hít vào một lượng đáng kể (30 ml trở lên). Thuốc sẽ kích thích phế quản tiết dịch và gây co thắt cơ trơn dữ dội, tác động ức chế hệ thần kinh trung ương làm giảm tri giác hay hôn mê, tụt huyết áp, ngứa trên da, đỏ da...

Ngộ độc Propoxur có biểu hiện rõ hơn. Nhịp tim chậm làm bệnh nhân ngất xỉu; tụt huyết áp, tăng tiết dịch và tăng co thắt cơ trơn phế quản khiến nạn nhân khó thở, tím tái; đau bụng, nôn ói, tiêu chảy do tăng nhu động ruột, mờ mắt, hoa mắt do giảm nhãn áp; ngoài ra bệnh nhân có thể bị nhức đầu, ù tai và hôn mê. Nạn nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Những cách diệt côn trùng hiệu quả

GS Bùi Công Hiển cho biết, để phòng chống có lẽ biện pháp phòng là dùng biện pháp ngăn cản vật lý (tấm lưới, tấm rèm… che chắn của sổ, cửa ra vào). Không nên dùng hóa chất diệt côn trùng, nhưng nếu không gian quá rộng, nhiều vườn cây, trang trại chăn nuôi hay xung quanh có nhiều ruồi muỗi do rác thải, khu chế biến, chăn nuôi… thì buộc phải phun hóa chất diệt côn trùng mới có thể ngăn cản được chúng tấn công vào khu vực nhà ở.

Ngoài ra phải vệ sinh vườn sạch sẽ, không để các bụi cây um tùm, các chum vại đựng nước lưu cữu, làm sạch các khu trồng cỏ, mục đích để ruồi muỗi, côn trùng không có chỗ trú ngụ. Bên trong nhà luôn gìn giữ vệ sinh và có thể treo ở chỗ kín đáo có khả năng côn trùng bay vào (của sổ, cửa thông gió) các tấm bẫy dính có bán trên thị trường.

Còn trong nhà, nếu có quá nhiều gián, ruồi, kiến, chuột… thì cách làm thủ công rất khó mang lại tác dụng. Do đó, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ nhà cửa thì có thể dùng bả sinh học chuyên dụng cho từng đối tượng như gián, kiến, ruồi, muỗi và kết hợp dùng vợt muỗi, đèn bắt muỗi và vệ sinh thường xuyên.

Ở nơi tập trung như các khu chung cư nên có tổ chức cộng đồng cùng giữ vệ sinh và thanh trừ các côn trùng gây hại cả khu vực chung sống. Nhà sẽ không thể sạch ruồi muỗi nếu ngoài ngõ, môi trường xung quanh không sạch sẽ, rác thải để bừa bãi, cống rãnh không được vệ sinh…

Khi bị côn trùng cắn, nên xử lý bằng các chất có tính kiềm và sát trùng bằng cồn. Đặc biệt lưu ý các trường hợp như ong đốt, kiến ba khoang đốt… phải theo dõi cụ thể, trường hợp bị nặng nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nếu bị chuột cắn thì phải sát trùng ngay vết thương và đến các cơ sở y tế để được tư vấn về cách xử trí an toàn nhất.

Vào mùa hè, khí hậu nắng nóng kèm những cơn mưa to bất chợt là điều kiện để các loại côn trùng xâm nhập vào môi trường sống . Phụ huynh nên cho bé ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh côn trùng. Kiểm tra chăn, gối, nệm trước khi ngủ. Khi trẻ bị côn trùng xâm nhập vào vùng tai mũi họng, cần đưa đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast