Mua đất quy hoạch của xã, nhiều hộ dân “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ

(Baohatinh.vn) - Dù đã thu hàng trăm triệu tiền đất của nhiều hộ dân, thế nhưng suốt 12 năm, qua 3 đời chủ tịch, UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn chưa hoàn tất được thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.

Năm 2007, khi biết UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân) quy hoạch khu dân cư ở khu vực Lù Cù (thôn Nam Sơn), nhiều người dân địa phương đã làm hồ sơ đăng ký mua đất.

Mua đất quy hoạch của xã, nhiều hộ dân “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ

Ông Nguyễn Văn Hòa mua lô đất ở khu vực Lù Cù với giá 23 triệu đồng từ năm 2007...

Mua đất quy hoạch của xã, nhiều hộ dân “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ

...nhưng sau 12 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1965, trú thôn Ngọc Huệ, xã Cương Gián) cho biết: “Năm 2007, tôi có mua miếng đất quy hoạch của xã ở Lù Cù có chiều dài 26m, chiều rộng 14m với giá 23 triệu đồng. Thời điểm nộp tiền, xã chỉ đưa cho tôi một phiếu nhận tiền, còn hồ sơ giao đất thì không thấy làm. Năm 2011, xã có mời tôi lên hoàn tất các thủ tục nói là để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSD đất – bìa đỏ) nhưng chờ mãi vẫn không có”.

“Tính từ thời điểm giao tiền nhận đất tới nay đã 12 năm trôi qua, nhà tôi có 4 người con, tôi rất muốn có bìa đỏ để còn chia đất cho các con xây dựng nhà cửa” - ông Hòa phản ánh.

Cũng mua đất quy hoạch ở khu vực Lù Cù của xã Cương Gián trong năm 2007 với giá 18 triệu đồng, anh Trương Minh Đảo (SN 1977, trú thôn Cầu Đá) bức xúc: “Năm 2011, xã yêu cầu nộp lại phiếu nhận tiền gốc, tôi và nhiều người dân đã nộp với mong muốn sẽ sớm có bìa đỏ nhưng qua 3 đời chủ tịch, xã cứ "hứa lên hứa xuống" mà không thấy giải quyết”.

Mua đất quy hoạch của xã, nhiều hộ dân “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ

Anh Trương Minh Đảo hy vọng lô đất mua năm 2007 sẽ sớm được chính quyền xã làm thủ tục cấp bìa đỏ để an tâm làm ăn

Theo anh Đảo, anh muốn đi xuất khẩu lao động nhưng do vướng việc cấp bìa đỏ nên không an tâm. Để bảo vệ phần đất của mình, anh phải xây tường bao, tránh xâm lấn từ các hộ xung quanh.

Lô đất mua của UBND xã vào năm 2007 với giá 16,2 triệu đồng của vợ chồng chị Trương Thị Thú (SN 1981) và anh Nguyễn Văn Trân (SN 1977, trú thôn Nam Sơn) có đường dây điện trung thế 35kV chạy qua. Gia đình này đã xây dựng nhà cửa để ở, tuy nhiên, theo thông báo từ xã đất ở dưới đường điện sẽ không được cấp bìa đỏ khiến họ lo lắng.

Mua đất quy hoạch của xã, nhiều hộ dân “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ

Ngôi nhà của gia đình chị Trương Thị Thú xây dựng dưới đường điện 35kV

Qua tìm hiểu, có khoảng 50 hộ dân xã Cương Gián đã mua đất ở khu vực Lù Cù. Trong khi các hộ khác được cấp giấy CNQSDĐ thì vẫn còn 18 hộ chưa có.

Chiều 16/8 vừa qua, UBND xã Cương Gián có mời các hộ dân lên làm việc nhằm thống nhất một số nội dung liên quan tới đất đai vùng Lù Cù để có hướng giải quyết cấp giấy CNQSD đất.

Nói về nguyên nhân nhiều hộ dân chưa được cấp giấy CNQSD đất dù đã đóng tiền mua đất, Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Văn Thanh cho hay, vào năm 2007, lãnh đạo xã thời điểm đó không chuyển số tiền mà người dân nộp mua đất vào ngân sách nhà nước nên cấp trên không có cơ sở để cấp bìa đỏ.

Theo ông Thanh, năm 2011, huyện Nghi Xuân đã có chủ trương cho xã lập hồ sơ để giải quyết cấp bìa đỏ cho người dân nhưng lãnh đạo xã khi đó không đồng ý trích ngân sách nộp cho các hộ dân. Việc cấp bìa đỏ vì thế cũng không thực hiện được.

Mua đất quy hoạch của xã, nhiều hộ dân “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ

Xã Cương Gián mời các hộ dân lên đối thoại để có hướng giải quyết cấp giấy CNQSDĐ ở khu vực Lù Cù

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Cương Gián, tới đây, xã quyết định sẽ trích ngân sách nộp và căn cứ vào hồ sơ năm 2011 để giải quyết việc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân. Trước mắt, xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành đo đạc lại đúng diện tích đã cấp, bởi thời gian qua, có một số hộ sử dụng sai hiện trạng.

“Xã đang tập trung để làm sao xử lý dứt điểm việc cấp bìa đỏ cho các hộ dân. Chúng tôi cố gắng sẽ làm xong trong năm 2019 này chứ không để kéo dài thêm nữa” - Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Văn Thanh xác nhận.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast