Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

(Baohatinh.vn) - Nằm ở cửa ngõ Đông Nam Á, phải hứng chịu nhiều thiên tai và chiến tranh liên miên, nếu không nhờ vào tinh thần đoàn kết, sự thông minh và sáng tạo của toàn dân, Việt Nam khó có thể đạt được những thành quả như ngày hôm nay. Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh dân tộc và là một trong những yếu tố dẫn đến thành công.

Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

Nhân dân TDP 6 (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) vui ngày đại đoàn kết. Ảnh: Dương Chiến

Một cây làm chẳng nên non…

Không biết từ bao giờ, câu ca dao có ý răn dạy của Nhân dân đã thấm vào tâm trí của bao thế hệ người Việt Nam: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Từ xa xưa, các cư dân người Việt đã biết cố kết bên nhau để chống lại thiên tai, thú dữ, khai sơn phá thạch, chống lại kẻ thù. Lịch sử của một dân tộc trải qua bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo tồn nòi giống, giang sơn gấm vóc đã chứng minh sức mạnh to lớn, vững chãi của tinh thần đoàn kết. Trong kháng chiến chống Pháp, muôn người như một cùng chung một ý chí tiêu diệt kẻ thù, chung một khát vọng giành độc lập, tự do theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…”.

Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp Bài ca kết đoàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của toàn dân mà cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã thắng lợi, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Kháng chiến chống Mỹ là cuộc kháng chiến dài lâu nhất trong lịch sử chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới với vũ khí tối tân, hiện đại. Lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, quyết tâm không gì lay chuyển nổi đã đưa đất nước ta tới hòa bình, độc lập cho đến ngày hôm nay.

Toàn Đảng, toàn dân ta luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết. Thành công, Thành công, Đại thành công”.

Lịch sử đã chứng minh, khi trên dưới một lòng, vua sáng - tôi hiền thì dù khó khăn, gian khổ đến mấy, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta nhất định thắng lợi. Hình ảnh điển hình của dân tộc là Hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ XIII, là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ 31/1 đến 4/2/1977, tại TP Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là: MTTQ Việt Nam.

Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

Chương trình văn nghệ mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của thôn Trung Thịnh, xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên). Ảnh: PV

92 năm qua, MTTQ Việt Nam đã làm tốt vai trò vận động, tổ chức, tập hợp các lực lượng quần chúng nhân dân đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Dân ta xin nhớ chữ đồng

Ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ kính yêu, không chỉ trong kháng chiến mà trong thời kỳ hòa bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, tái thiết đất nước, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.

Biết bao khó khăn, gian khổ của những buổi đầu “nâng niu gom góp dựng cơ đồ” nhưng nhờ đoàn kết một lòng, phát huy trí tuệ, công sức, tài năng của mọi tầng lớp nhân dân nên đất nước ta đã từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo đói, tụt hậu, từng bước đi đến no ấm, hạnh phúc, phồn vinh. Nhờ nội bộ Đảng đoàn kết, nhất trí nên đã nâng cao năng lực lãnh đạo, được Nhân dân đồng tình, tin cậy. Các phong trào thi đua yêu nước được Nhân dân hưởng ứng tích cực.

Khi toàn dân đồng sức, đồng lòng, mọi mục tiêu, lý tưởng của Đảng đều tới đích, ước mơ, khát vọng của cả dân tộc và của mỗi một con người đều đạt được.

Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận hỗ trợ chống dịch COVID-19 từ các doanh nghiệp, dịp tháng 6/2021

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 càng chứng minh sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng đạt cao của thế giới. Mô hình “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là nét độc đáo của Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước kém phát triển, là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 5,95%/năm. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển KT-XH(*).

Nằm giữa “khúc ruột miền Trung”, được ví là “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”, suốt dọc chiều dài lịch sử dân tộc, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cùng cả nước đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám, là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược.

Những tên đất, tên người của Hà Tĩnh đã đi vào trang sử vàng của dân tộc như: Tùng Ảnh, Cẩm Hưng, Đồng Lộc, Khe Giao, Linh Cảm, Đèo Ngang, Bến Thủy… gắn với tên tuổi của những người anh hùng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc, La Thị Tám, Uông Xuân Lý, Nguyễn Tri Ân…

Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa, động viên tinh thần các cán bộ y tế Hà Tĩnh lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương, phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Đình Nhất

Trong dòng thác đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đem trí tuệ, tâm huyết, sự thông minh và sáng tạo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chính trị ổn định, kinh tế ngày càng tăng trưởng, văn hóa - xã hội ngày càng chuyển biến tích cực. Nông thôn mới Hà Tĩnh trở thành điểm sáng cả nước. Hà Tĩnh tỏa sáng tinh thần hiếu học và truyền thống khoa bảng với thành tích nhiều năm trong top đầu của ngành giáo dục cả nước… Đó là những minh chứng hùng hồn cho sự “đồng sức, đồng lòng” của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.

Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

Các đại biểu lãnh đạo tỉnh thăm lớp học Tiếng Anh tại Ngôi nhà trí tuệ TDP 6 (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh).

Những ngày này, đâu đâu trên mọi miền quê Hà Tĩnh cũng rực rỡ màu cờ, xanh thắm màu cỏ cây hoa lá và đặc biệt là rộn ràng lời ca tiếng hát, các hoạt động thể thao chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi đời sống đã đủ đầy, người dân càng có điều kiện để tham gia các hoạt động tinh thần và giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. Những bữa cơm đoàn kết và vũ khúc thêm rộn ràng khi tình nghĩa xóm làng gắn bó, thắt chặt, ấm nồng.

Truyền thống dân tộc ngàn năm được khơi nguồn, tô đậm, vun đắp thêm, ngày càng tỏa sáng, sâu sắc, bền vững và những câu thơ của Bác trong bài “Lịch sử nước ta” càng thêm thấm thía:

“Hỡi ai con cháu Rồng Tiên

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau…

Dân ta xin nhớ chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Tháng 11/2022

(*) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 28/3/2021.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).