Nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với những cách làm linh hoạt, nhiều mặt hàng nông sản của nông dân Hà Tĩnh thời gian qua được các cấp hội hỗ trợ tiêu thụ, góp phần ổn định sản xuất, tái đầu tư cho vụ mùa mới.

Linh hoạt đề ra các biện pháp tình thế

Nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Tĩnh

Tháng 10 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh triển khai tuần lễ kết nối tiêu thụ nông sản với nhiều gian hàng tại TP Hà Tĩnh.

Những năm trước đây, khi cây cam đến mùa thu hoạch, thương lái nhiều nơi “kéo” về các nhà vườn ở Vũ Quang để săn hàng, nông dân không phải lo lắng nhiều về thị trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khách quan của đại dịch COVID-19, đầu vụ cam năm 2021, thị trường cam quả khá ảm đạm. Nhằm kịp thời hỗ trợ hội viên, Hội Nông dân Vũ Quang đã kịp thời thành lập 57 tổ thu hái, đóng gói với 285 thành viên để hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân Vũ Quang Trần Thị Hồng Vững chia sẻ: “Bên cạnh quảng bá sản phẩm rộng rãi, các cấp hội phối hợp hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số đối với cây cam để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo,… Đến hiện tại, toàn huyện đã chuyển đổi số được gần 1.000 ha cam.

Nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Tĩnh

Lần đầu tiên sản phẩm cam Vũ Quang được lên kệ siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh.

Nhờ đó, sản phẩm cam Vũ Quang được nhiều người biết đến. Đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ hơn 90% sản lượng cam chanh, trong đó, các tổ chức hội hỗ trợ tiêu thụ hơn 60 tấn. Ngoài ra, kênh của Hội Nông dân Vũ Quang cũng đã trực tiếp tiêu thụ được hơn 40 tấn các loại nông sản khác.

Tính chung toàn tỉnh, trong thời gian qua các cấp hội nông dân đã hỗ trợ hội viên tiêu thụ gần 600 tấn nông sản các loại như cam, bưởi, dưa lưới… Không chỉ hỗ trợ hội viên trong tỉnh, các cấp hội nông dân ở Hà Tĩnh cũng đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ gần 150 tấn nông sản của người dân nhiều địa phương khác như: mận hậu Sơn La, vải thiều Bắc Giang, hành tím Sóc Trăng, thanh long Long An…

Cần giải pháp dài hơi

Nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Tĩnh

Năm 2021, Hội nông dân Hương Khê kết nối tiêu thụ 350 tấn bưởi Phúc Trạch cho bà con nông dân trên địa bàn.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song việc tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Nguyễn Tiến Anh cho hay: Việc hỗ trợ hội viên, nông dân tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiện tại còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đồng bộ, chưa thường xuyên và còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của nhà doanh nghiệp với người nông dân còn lỏng lẻo, chưa thực sự bền vững. Vai trò của hội nông dân các cấp trong thực hiện liên kết “6 nhà” (nông dân - nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp - nhà phân phối) chưa được phát huy mạnh mẽ. Một số sản phẩm sản xuất ra được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng nhưng chưa ổn định nguồn cung cấp…

Dự báo sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn và tác động không nhỏ đến năng suất, chất lượng nông sản, thu nhập và tâm lí của người nông dân; nhất là việc tiêu thụ nông sản khi đến mùa vụ thu hoạch. Do đó, cần có những giải pháp mang tính căn cơ để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Nhiều giải pháp trong tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Tĩnh

Không chỉ nông sản trong tỉnh, Hội Nông dân Hà Tĩnh còn hỗ trợ tiêu thụ gần 150 tấn nông sản của người dân nhiều địa phương khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Hà Tĩnh Trần Trung Thành cho biết: Thời gian tới, các cấp hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ KHCN tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp và mở thêm nhiều cửa hàng nông sản an toàn do hội thành lập để đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản bền vững giúp hội viên, nông dân.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của hội nông dân các cấp và hội viên, nông dân trong thực hiện liên kết 6 nhà; đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản bền vững giữa người nông dân với các doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá, đối thoại, trao đổi giữa người nông dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ đưa nông sản Hà Tĩnh vào chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối, trung tâm OCOP các tỉnh, cửa hàng nông sản trong toàn quốc…

“Từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của hội viên nông dân nhanh chóng thích ứng với nền nông nghiệp hiện đại, thông minh. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, người nông dân Hà Tĩnh sẽ phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, chú trọng hình thức học tập và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử” - ông Thành nhấn mạnh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast