Gánh khoản nợ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng do vốn bị ứ đọng sau khi chính sách chấm dứt xuất khẩu gỗ chưa thành phẩm của Chính phủ Lào có hiệu lực, hoạt động của hàng chục DN tại Hương Khê gần như tê liệt từ giữa năm 2016.
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển hướng kinh doanh để góp phần giải quyết việc làm cho lao động
Nhớ lại những khó khăn của khoảng thời gian đó, ông Trần Phát Đạt - Chủ tịch Hội DN huyện Hương Khê cho biết: “Trên địa bàn huyện có hơn 200 DN thì có đến gần 50 DN hoạt động kinh doanh, chế biến, sản xuất lâm sản chịu ảnh hưởng trực tiếp của Chỉ thị 15. Như DN của tôi đã ký hợp đồng với các đối tác ở Lào trị giá hơn 2 triệu USD. Sau khi kí kết, công ty đã chuyển toàn bộ số tiền trên cho đối tác, đã tập kết hàng, chuẩn bị làm thủ tục chuyên chở về Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ thị của Thủ tướng Lào ra đời đã khiến hợp đồng không được triển khai trong khi vốn không thể hoàn trả…”
“Nếu như trước đây, mỗi công ty có hàng chục xe tải, 3 đến 4 lái xe làm việc liên tục để chở hàng, nhưng nay xe thì bán, anh em lái xe vẫn là người của công ty nhưng quay sang làm việc khác chứ có khi vài tháng mới có một chuyến hàng…” - Chủ tịch Hội DN Hương Khê tiếp lời để minh chứng cho sự tê liệt của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lâm sản.
Lĩnh vực đầu tư xã hội hóa chợ được nhiều doanh nghiệp Hương Khê quan tâm đầu tư
Khó khăn, khủng hoảng là vậy nhưng với “vốn liếng” cả về tiền và kinh nghiệm thương trường, các DN Hương Khê đã cố gắng vượt qua khó khăn, chuyển hướng kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho những lao động đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu.
Lĩnh vực sản xuất lâm sản cũng từng là “rường cột” của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc. Tuy nhiên, với gần 100 tỷ đồng vốn ứ đọng từ gỗ, công ty buộc phải thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh để tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Thế Cường - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc chia sẻ: “Công ty có gần 100 lao động gắn bó, nếu như cắt giảm, rất nhiều anh em phải mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Thế nên, chúng tôi đã rất trăn trở, tìm hiểu thị trường để lựa chọn những đường hướng kinh doanh khác. Đến nay, công ty đã mở rộng hệ thống kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, kinh doanh xăng dầu… để chuyển một lượng lớn lao động sang lĩnh vực làm việc”.
Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc mở hướng kinh doanh xăng dầu
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hương Khê Trần Phát Đạt, nhiều DN trên địa bàn hiện đang tự khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế từ các ngành nghề như chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu, sản xuất nguyên liệu chế biến giấy, lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư giáo dục…
Dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng với sự đầu tư bài bản, cộng đồng DN Hương Khê đang từng bước vươn lên theo hướng bền vững, ổn định…
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu