Doanh nghiệp “ngóng” tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lâm, thuỷ sản

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh khó khăn do suy thoái kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân hoạt động trong lĩnh vực lâm, thuỷ sản ở Hà Tĩnh mong mỏi sớm được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm, thuỷ sản, nhất là các đơn vị tham gia xuất khẩu. Theo đó, những tháng đầu năm 2023, đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng trong khi giá thành sản phẩm “dẫm chân tại chỗ”...

Doanh nghiệp “ngóng” tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lâm, thuỷ sản

Theo gói tín dụng ưu đãi lâm, thủy sản, lãi suất cho vay được áp dụng thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.

Để góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) chuyên sản xuất và xuất khẩu mực sushi đi thị trường Nhật Bản. 7 tháng đầu năm, đơn vị “đau đầu” khi giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia) tăng cao và nguyên liệu khan hiếm. Nhiều thời điểm nhà máy bị gián đoạn dây chuyền sản xuất, buộc phải cắt giảm công nhân lao động.

Doanh nghiệp “ngóng” tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lâm, thuỷ sản

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Từ đầu năm lại nay, đơn hàng từ các đối tác tại Nhật Bản liên tục sụt giảm, chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán không tăng là bất lợi lớn. Luỹ kế 7 tháng, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 245 tấn thành phẩm, doanh thu đạt trên 56 tỷ đồng (giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2022)".

“Chúng tôi đang vay hàng chục tỷ đồng gói trung hạn tại Ngân hàng ACB Hà Tĩnh. Mặc dù lãi suất cho vay hiện đã giảm so với đầu năm song vẫn trên 8%/năm. Bởi vậy gói tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thuỷ sản được phê duyệt, chúng tôi rất mừng và kỳ vọng sẽ có thêm “phao cứu sinh” để sản xuất, kinh doanh” – ông Nguyễn Hùng Cường bày tỏ.

Doanh nghiệp “ngóng” tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lâm, thuỷ sản

HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành đang đối mặt khó khăn về dịch bệnh trên tôm và giá tôm thấp.

HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành (Nghi Xuân) nuôi tôm thương phẩm hơn 10 năm nay. Hiện nay, HTX đang phải thu hẹp diện tích nuôi do đối mặt với tình trạng dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, giá thức ăn tăng trong khi giá tôm thương phẩm “lao dốc”.

Ông Hồ Quang Dũng – Giám đốc HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành chia sẻ: “Thời điểm này đang là chính vụ sản xuất nhưng chúng tôi chỉ nuôi 3 ha (trong khi tổng diện tích là 12 ha). HTX đang vay hàng tỷ đồng tại Vietcombank Bắc Hà Tĩnh; hiện nay lãi suất cho vay đã giảm song vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất lĩnh vực lâm, thuỷ sản để HTX có thêm nguồn lực duy trì hoạt động”.

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực lâm sản trên địa bàn cũng đối mặt không ít thách thức khi đầu ra sản phẩm giảm. Anh Lê Ngọc Trung (xã Sơn Hàm, Hương Sơn) thông tin: “Chúng tôi chuyên sản xuất và cung ứng cây lâm nghiệp, cây bóng mát... 7 tháng đầu năm, cơ sở mới chỉ xuất bán được 5 vạn cây giống (giảm 60% so với cùng kỳ). Được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thuỷ sản sẽ giúp chúng tôi yên tâm sản xuất, kinh doanh”.

Được biết, đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thuỷ sản. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh: NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng ưu đãi này. Chi nhánh hiện đang chờ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết từ Hội sở để triển khai theo đúng quy định, đảm bảo không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Vietcombank sẽ chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế đảm bảo tiền vay; đa dạng hoá các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của khách hàng sản xuất, kinh doanh lâm sản, thuỷ sản.

Doanh nghiệp “ngóng” tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lâm, thuỷ sản

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh.

Để chương trình phát huy hiệu quả, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh giao các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn căn cứ vào hướng dẫn của Hội sở chính để triển khai thực hiện. Trong đó, tăng cường thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng đến các khách hàng. Chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh HTX tỉnh để rà soát, nắm danh sách và tiếp cận các doanh nghiệp, HTX có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm, thủy sản nhằm nắm bắt nhu cầu vốn và cho vay theo chương trình đối với các khách hàng thuộc đối tượng.

NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với các khách hàng tham gia chương trình này phù hợp với quy định của pháp luật và quy mô hoạt động của chi nhánh ngân hàng thương mại.

Đối tượng vay vốn của chương trình là các khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam được áp dụng thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Thời gian triển khai chương trình đến hết ngày 30/6/2024.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.