Núi Hồng Lĩnh đang ngày ngày bị đào bới nham nhở.
Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định (tại điểm b, khoản 4, Điều 1): Khai thác chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phải gắn với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan và môi trường. Không khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng, trồng cây xanh... Doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản tại dãy núi Hồng Lĩnh dọc quốc lộ 1A, 8B đoạn qua các huyện Can Lộc, Nghi Xuân và TX Hồng Lĩnh lại không tuân thủ những quy định nói trên.
Có hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản dọc núi Hồng Lĩnh nhưng chưa thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác đang khiến dư luận bức xúc.
Sau khai thác, nhiều doanh nghiệp đã “quên” hoàn thổ, cải tạo môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thủy (phường Đậu Liêu, TX. Hồng Lĩnh) chia sẻ: “Thời điểm mỏ đá đang được khai thác, người dân trong vùng khổ sở vì ô nhiễm bụi bẩn. Ngay cả khi doanh nghiệp ngừng hoạt động, người dân ở đây vẫn tiếp tục chịu khổ vì bụi đất khi mùa nắng và gió to, đến mùa mưa thì lo ngại đất đá từ trên núi rơi xuống do bị xói lở, thiếu cây xanh. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan mà đe dọa trực tiếp đến cuộc sống thường nhật của chúng tôi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc 2 bên Quốc lộ 8B, có đến 29 mỏ khoáng sản được cấp phép. Trên thực tế, chỉ có 22 điểm mỏ có hoạt động khai thác, 7 mỏ còn lại đang nguyên trạng. Đến cuối năm 2018, phần lớn các mỏ đã chấm dứt khai thác.
Đáng nói, trong số các mỏ có hoạt động khai thác thì 13 mỏ chưa thực hiện xây dựng hồ sơ đóng cửa mỏ; 9 đơn vị có hồ sơ đóng cửa mỏ thì chỉ có 1 đơn vị thực hiện hoàn thổ theo hồ sơ, đưa mỏ về trạng thái ban đầu. Nhiều doanh nghiệp cũng “chây ì” trong công tác ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định.
Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VHTT&DL Hà Tĩnh) cho rằng, núi Hồng Lĩnh không chỉ là cảnh quan mà còn là một biểu tượng văn hóa, danh thắng của người dân Hà Tĩnh. Ngoài ra, trên núi còn có nhiều trầm tích văn hóa và nhiều dấu ấn di sản. Tuy nhiên, sau khai thác, nhiều doanh nghiệp đã “quên” hoàn thổ, cải tạo môi trường nên để lại nhiều vết nham nhở, làm xấu đi cảnh quan danh thắng.
“Chúng tôi đã đề nghị ngành chức năng làm tốt hơn công tác quy hoạch cấp phép khai thác khoáng sản, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp làm tốt hơn công tác đóng cửa mỏ, trồng nhiều cây xanh, phục hồi môi trường, cảnh quan sau khai thác để núi Hồng Lĩnh mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng của người Hà Tĩnh” - ông Lĩnh cho biết.
Hoạt động khai thác khoáng sản tại núi Hồng ven quốc lộ đã ảnh hưởng lớn đến cảnh quan của danh thắng này.
Nói về công tác quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết, khó khăn nhất là việc hiện nay vẫn còn một số mỏ đang khai thác và thời hạn giấy phép khai thác còn dài (giấy phép khai thác khoáng sản tại núi Hồng Lĩnh được cấp trước khi có Quyết định 2427/QĐ-TTg của Chính phủ).
Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần thực hiện tuyên truyền với các doanh nghiệp về chủ trương dừng khai thác nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Trong khi đó, Quyết định 2427/QĐ-TTg chỉ đưa ra quy định mà không có văn bản hướng dẫn cụ thể cũng như chế tài xử lý nên gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện.
Hiện tại, để khắc phục cảnh quan cho núi Hồng, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã chủ động yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá trữ lượng khoáng sản (đối với doanh nghiệp đang khai thác) và định hướng doanh nghiệp không đầu tư thêm trong hoạt động khai thác, đồng thời phải có lộ trình dừng khai thác cụ thể, đóng nộp đầy đủ quỹ bảo vệ môi trường.
Đối với các doanh nghiệp đã dừng khai thác, trường hợp doanh nghiệp đã phá sản thì ngành sẽ thuê các đơn vị có chuyên môn thực hiện hoàn thổ; những doanh nghiệp còn hoạt động, chúng tôi sẽ phối hợp cùng địa phương đôn đốc họ thực hiện cải tạo môi trường, hoàn trả hiện trạng theo quy định. Những đơn vị chây ì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.