Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đại diện Thường trực, lãnh đạo các Ban, Văn phòng HĐND các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Đây là hội nghị thường niên, được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh trong khu vực nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND trên các lĩnh vực.
Tại hội nghị lần này, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung nhiều đến giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị nội dung, hoạt động thẩm tra nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đưa ra các giải pháp liên quan đến tổ chức các kỳ họp và ban hành chính sách của HĐND, giám sát chuyên đề, giải quyết các nhiệm vụ giữa 2 kỳ họp trong đó tập trung đến giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều hành, chỉ đạo kỳ họp…
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình tập trung phân tích thực trạng các kỳ họp HĐND của tỉnh và đưa ra các giải pháp đổi mới hoạt động thảo luận.
Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đưa ra các giải pháp liên quan đến công tác xây dựng chương trình kỳ họp; xây dựng, thẩm tra dự thảo nghị quyết HĐND; xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, các cơ quan tư pháp và các cơ quan liên quan; việc lựa chọn nội dung chất và trả lời chất vấn; việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tập trung phân tích rõ các kết quả đạt được trong công tác chuẩn bị kỳ họp, hoạt động chất vấn, thẩm tra của các ban HĐND, tiếp xúc cử tri, hoạt động các Tổ đại biểu, công tác dân nguyện của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay từ đó nêu rõ những hạn chế và đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng các hoạt động của HĐND.
Thay mặt Đoàn Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đã nêu ra một số điểm mới trong tiếp xúc cử tri, thảo luận tổ, chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm, lĩnh vực; điều hành kỳ họp, tổ chức rút kinh nghiệm sau kỳ họp…
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu một số bất cập trong các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số Luật và văn bản khác liên quan đến hoạt động của HĐND. Từ đó, kiến nghị kịp thời sơ kết, đánh giá những ưu điểm trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương để trình Quốc hội sửa đổi những quy định chưa hợp lý về tổ chức bộ máy của HĐND các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã;
Ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương; ban hành Quy chế hoạt động của HĐND các cấp; kịp thời sửa đổi, bổ sung một số bất cập đã nêu trên; hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các Ban HĐND cấp xã; ban hành hướng dẫn thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để cụ thể hóa hơn các chế định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là quy định các chế tài cụ thể xử lý đối với các cơ quan, đơn vị được giám sát khi không thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu giám sát đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Nghị quyết 18 Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6, Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có quy định về việc sáp nhập các Văn phòng: Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện; tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND.
Kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ đã tổ chức ký kết, đồng thời chuyển giao đăng cai hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 4, nhiệm kỳ 2016-2021 cho tỉnh Nghệ An, tiến hành vào giữa năm 2018.