Đối sách Triều Tiên thời Trump: ‘Bình mới, rượu cũ’

Chính phủ Trump vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách của chính phủ Obama, trừng phạt Triều Tiên và tăng bảo vệ hai đồng minh Hàn, Nhật.

Trong chuyến thăm châu Á mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ đã hết kiên nhẫn và sẽ từ bỏ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính phủ Barack Obama. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ hoài nghi sự khác nhau thật sự trong chính sách với Triều Tiên của chính phủ Trump và chính phủ Obama.

Chỉ toàn đòn gió?

Ông Tillerson cho biết Mỹ sẽ không thương lượng chừng nào Triều Tiên còn chưa cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định Mỹ đang cân nhắc nhiều phương án xử lý Triều Tiên và không loại trừ tấn công phủ đầu.

Chuyên gia David Wright, Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu, nhận định rằng chính phủ Trump thật ra đang tung hỏa mù, hãng tin AP dẫn lời. Nếu nhìn nhận kỹ sẽ thấy chính phủ Trump vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách của chính phủ Obama: Một mặt trừng phạt Triều Tiên, mặt khác tăng bảo vệ hai đồng minh Nhật, Hàn.

Ông Thomas Countryman, Trợ lý Ngoại trưởng về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân thời chính phủ Obama, cho rằng lời nói của ông Tillerson không đồng nghĩa một sự thay đổi thực chất trong đối sách với Triều Tiên. Theo ông, câu nói “mọi phương án quân sự đều được tính đến” của ông Tillerson không khác gì mấy so với câu “mọi khả năng đều được cân nhắc” mà Tổng thống Obama vẫn nói. Điểm khác biệt là nó mang tính đe dọa nhiều hơn. Tổng thống Bill Clinton năm 1994 cũng từng nói rất nghiêm túc rằng sẽ cân nhắc tấn công phủ đầu Triều Tiên nhưng đó cũng chỉ là “đòn gió”.

Điểm khác duy nhất có thể nhìn thấy theo ông Countryman là chính phủ Trump tích cực hơn trong việc vận động Trung Quốc tăng áp lực với Triều Tiên. Theo ông, kiềm chế Triều Tiên sẽ là một chủ đề nóng trong cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

doi sach trieu tien thoi trump moi ruou cu

Triều Tiên phóng cùng lúc bốn tên lửa đạn đạo ngày 7-3. Ảnh: AFP

Không nhiều cơ hội thành công

Cũng có luồng ý kiến cho rằng ông Trump sẽ có chiến lược khác ông Obama để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trong số này có Bruce Klingner, cựu phó trưởng phòng phụ trách khu vực bán đảo Triều Tiên của CIA. Theo ông Klingner, hiện còn quá sớm để đánh giá về chính sách của chính phủ Trump với Triều Tiên nhưng ông tin tân tổng thống Mỹ sẽ cứng rắn hơn người tiền nhiệm, ít nhất về mặt trừng phạt. Chính phủ Obama đã chần chừ và nhẹ tay trong trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên.

Còn GS Sung-Yoon Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH Tuft (Mỹ), cũng tin tưởng chính phủ Trump sẽ quyết liệt hơn vì “nhận thức được những cách làm cũ không những không hiệu quả mà còn mang lại nguy hại lớn hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Ken Gause, Giám đốc Bộ phận Các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), cơ hội thành công của chính phủ Trump cũng không cao hơn chính phủ Obama bao nhiêu. Trong khi đó chuyên gia David Wright cho rằng trừng phạt sẽ chỉ làm chậm lại các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Muốn chấm dứt các mối đe dọa này không có cách gì khác ngoài ngoại giao.

Phản ứng sau phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cần phải thay đổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính phủ Obama, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhận định dù mạnh miệng chỉ trích chính phủ Obama không kiềm chế được Triều Tiên nhưng chính sách của chính phủ Trump cũng không khác gì hơn.

Ngay trước khi ông Tillerson đến Nhật, Triều Tiên phóng một số tên lửa đạn đạo xuống biển Nhật Bản. Khi ông Tillerson đang ở Trung Quốc, Triều Tiên thực hiện một vụ thử động cơ tên lửa. Tuần trước, Triều Tiên lại tiếp tục phóng cùng lúc nhiều tên lửa. Trên KCNA, Triều Tiên tiếp tục khẳng định các chương trình tên lửa, hạt nhân của mình là để tự vệ, cảnh cáo Mỹ nghĩ lại nếu Mỹ cho rằng việc đe dọa có thể làm Triều Tiên chùn bước.

__________________________________

“Không có sự khác nhau lớn giữa chính sách kiên nhẫn chiến lược của Obama và chính sách của chính phủ Mỹ hiện tại” - báo Rodong Sinmun (Triều Tiên).

Theo PLO

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.