Cuốn sách Đời Yakuza. |
Đời Yakuza viết về cuộc đời đầy thăng trầm của ông trùm yakuza Eiji Ijichi. Khi về già, nằm trên giường bệnh, ông đã đem tất cả kể lại với bác sĩ Saga Junichi - tác giả cuốn sách.
Thế giới của Yakuza không xấu xa, đen tối như những định kiến mà xã hội áp đặt. Họ cũng là những con người rất bình thường bị thời thế tước đoạt. Bản ngã tốt đẹp cuốn trôi để dành lấy miếng cơm manh áo. Nhưng ấn sau những khuôn mặt lạnh lùng đầy sát khí là một tinh thần trượng nghĩa, hào hiệp, trọng chữ tín, thậm chí là rất đức độ, lương thiện đến lạ lùng.
Số phận ban phát cho mỗi con người một hành trình với những khoảnh khắc của sự cay đắng, ngọt bùi đan xen. Eiji cũng không ngoại lệ. Anh chàng được trao rất nhiều cơ hội để chứng tỏ bản thân. Những lần vào tù ra khảm như đi chợ không hề khiến chàng trai nản lòng, từ đó Eiji nhận được sự tín nhiệm và kính trọng rất lớn của ông trùm và các bậc đàn anh.Bỏ nhà ra đi khi mới 15 tuổi, Eiji Ijichi đã rất vất vả để thay đổi số phận.Từ một thằng nhóc chỉ quanh quẩn bên mỏ thổ phỉ, Eiji đã chứng minh được vì sao mình sinh ra để trở thành Yakuza.
Trong mắt chúng ta, yakuza tức là xã hội đen, cờ bạc, buôn lậu, ma túy, gái điếm, tàn bạo, cá lớn nuốt cá bé… Nhưng, Họ có một đời sống rất khác, trọng nghĩa khí như cổ trang kiếm hiệp. Các băng đảng sẵn sàng tương trợ lẫn nhau, chỉ một lần được giúp đỡ là nguyện đem cả sinh mạng ra đền đáp… đó cũng là yakuza.
Đó là hệ thống thứ bậc trong các băng đảng, mối quan hệ phức tạp giữa giới giang hồ và nhà cầm quyền và cả “lý tưởng” của giang hồ Nhật Bản. Yakuza thời điểm đó khác rất xa đám du thủ du thực bây giờ. Những ông trùm sống bằng tiền kiếm được từ các sòng bạc.
Họ có một tư duy kinh doanh linh hoạt và cực kì nhạy bén. Các nhà cái sẽ không ai dồn đến mức chân tường đói khát, nếu ai đó quá túng quẫn, họ sẵn sàng biếu không con bạc khát nước một chút tiền để đổi lấy tiếng thơm, đem về tín nhiệm cho cơ sở mình quản lý.
Yakuza cũng hạn chế bạo lực, những vụ thanh toán hay trả thù chỉ nổ ra trong trường hợp bất khả kháng, đương nhiên khi đó cớm sẽ vào cuộc. Những kẻ như Eiji Ijichi sẽ đứng ra làm anh hùng “thí tốt”, chấp nhận “công tác” vài năm khổ cực để anh em tiện đường làm ăn yên ổn.
Chìa khóa thành đạt của Eiji không phải là bạo lực hay mưu mẹo mà chính là nghĩa khí. Khi chưa là yakuza anh từng không đồng tình với hành động lấy tiền của xác chết sau thảm họa động đất, mặc dù khi đó cậu cũng rất đói và trắng tay.
Để tồn tại ở thế giới nhiễu nhương và vô cùng tàn khốc này, Eiji không phản bội niềm tin của bản thân, sống và cư xử thân thiện, chân thành, lịch thiệp, hòa nhã.
Bối cảnh Nhật Bản khi ấy vừa thua đau đớn sau thế chiến thứ hai. Bạo loạn diễn ra liên miên, chính trị đảo điên loạn lạc ảnh hưởng không nhỏ đến sòng bạc của Eiji quản lý nhưng anh chàng vẫn sống tốt, trở thành một ông vua bên lề xã hội.
Những cảm xúc vô cùng chân thật tái hiện lại đằng sau một đất nước phải vùng vẫy thoát khỏi bóng ma chiến tranh, bị ràng buộc bởi đủ thứ trách nhiệm và danh dự.
Yakuza đại diện phần nào cho những ẩn ức đen tối sâu thẳm đó. Tuy vậy vẫn đẹp một cách lạ lùng, độc đáo, quyến rũ đến ngây ngất bởi cách sống, cách đối nhân xử thế đáng để ngưỡng mộ. Lòng tự trọng bắt nguồn từ những bài học cay đắng, có chết đói cũng không hạ mình van xin lạy lục.
Đời yakuzakể toàn những chuyện cánh mày râu, đậm đặc nam tính, đôi khi thoáng qua hình bóng của vài người phụ nữ. Dù vậy những cá nhân này đều tác động không nhỏ đến cuộc sống của Eiji sau này.
Nếu không vì một lần say tình bất chấp hiểm nguy mà bỏ trốn anh cũng chẳng thể trưởng thành nổi, hoặc nếu thiếu đi người vợ đứng ra cai quản băng đảng khi Eiji về già hẳn mọi thứ sẽ càng to chuyện và phức tạp hơn.
Bác sĩ Saga Junichi viết Đời yakuza theo dạng ghi chép rồi tập hợp lại. Dù thủ pháp nghệ thuật sử dụng không có nhiều nổi bật nhưng những gì mà ông kể lại là một đời sống độc đáo thú vị xoay quanh thế giới ngầm của các băng đảng Yakuza, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi cảm giác trăn trở về số phận con người, thời cuộc và một chút luyến tiếc, xót xa cho mối tình không bao giờ hoàn chỉnh.