Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn trao bằng xếp hạng di tích lích sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Lê Hầu Sại cho đại diện chính quyền, dòng họ Lê Hữu Dung
Đền thờ Lê Hầu Sại là di tích lịch sử gắn với danh nhân Lê Hữu Dung - dòng họ có nguồn gốc từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Thủy tổ dòng họ Lê làm quan dưới triều Lê Trung Hưng và có 4 người con đều làm quan. Trong đó, nhân vật lịch sử Lê Hữu Dung - người đã có nhiều công lao với triều đình và đóng góp to lớn cho việc khai khẩn đất đai xây dựng làng Đôn Mỹ, xã Sơn Trà (Hương Sơn).
Lê Hữu Dung sinh vào giữa thế kỷ XVII, lớn lên tham gia quân đội nhà Lê - Trịnh. Ông được điều đi trấn thủ ở châu Hưng Hóa và tổ chức nhiều trận đánh dẹp giặc ở vùng biên cương phía bắc. Sau khi tình hình biên giới ổn định, ông về lại kinh thành và được vua Lê phong tước là Hưng Lĩnh Bá.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ vùng đất phía Nam bất ổn do sự xung đột quân sự giữa Đàng trong và Đàng ngoài. Lê Hữu Dung lại được giao vào trấn giữ vùng đất từ Đèo Ngang đến Bắc Bố Chánh. Trong 3 năm, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh đẩy lùi quân Nguyễn về bờ Nam sông Gianh. Những công lao đóng góp của Lê Hữu Dung đã được vua Lê Dụ Tông phong tước hầu với nội dung sắc phong: “Phụ kê quan sơn, hiển cung đại phu Lạng Sơn xứ, hậu tham nghị, hậu tu thiển doãn thừa chánh sứ”.
Đông đảo nhân dân và bà con dòng họ Lê Hữu Dung về dự lễ.
Trân trọng, tôn vinh công đức của ông Lê Hữu Dung đối với đất nước, quê hương nên nhân dân mới gọi một cách thân mật là Lê Hầu Sại. Sau khi trở về Thăng Long một thời gian, ông cáo quan trở về sinh sống dưới chân núi Mồng Gà, xã Sơn Trà (Hương Sơn). Tại đây, ông đã cùng với nhân dân ra sức khai phá đất đai thành ruộng vườn, lập nên làng Đôn Mỹ, Dị Long thuộc các xã Sơn Trà, Sơn Long và một phần Sơn Bình ngày nay.
Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành Hoàng làng. Hàng năm, đến ngày 6/5 âm lịch, dân làng trang trọng tổ chức ngày giỗ của ông tại nhà Thánh. Ông là người duy nhất ở làng Đôn Mỹ được nhân dân làm giỗ để tưởng nhớ và tri ân công lao với làng, với nước.
Năm 1925, nhân lễ mừng Tứ tuần Đại khánh của vua Khải Định, nhà vua đã hạ chiếu sắc phong đền thờ Lê Hầu Sại: “Kiều sơn hiển cung, tịnh túc, sắc phong Dực bảo Trung hưng, tú linh phù tôn thần”. Điều đó cho thấy, không chỉ triều Lê mà về sau triều Nguyễn cũng tôn vinh công lao của Lê Hầu Sại đối với đất nước.