Sáng 26/8, UBND xã Bình An tổ chức lễ đón nhận nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Quang Đa. |
Nhà thờ Nguyễn Quang Đa được con cháu và người dân trong vùng quen gọi là miếu thờ Thần tổ.
Theo lịch sử và gia phả dòng họ, dòng họ Nguyễn Quang có mặt ở vùng đất này khoảng giữa thế kỷ XVI, được coi là một trong những dòng họ di cư đến đây sớm nhất khai đất lập làng. Trải qua hơn 500 năm lịch sử với hơn 20 thế hệ, dòng họ Nguyễn Quang ở Bình An trở thành một trong những dòng họ lớn, sản sinh ra nhiều bậc hiền nhân, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho con cháu trong dòng họ Nguyễn Quang ở xã Bình An.
Giang Tài hầu Nguyễn Quang Đa sinh năm 1610, chưa rõ năm mất. Ông là thế hệ thứ 3 của dòng họ Nguyễn Quang trên vùng đất di cư này. Thuở nhỏ, ông dự định theo nghiệp bút nghiên nhưng về sau, thấy bản thân phù hợp với nghiệp võ nên đã gia nhập quân đội nhà Lê Trịnh, phục vụ qua 3 đời vua là Lê Chân Tông, Lê Thần Tông và Lê Huyền Tông.
Trong bối cảnh lịch sử thế kỷ XVII với sự giằng co giữa 2 thế lực Đàng Trong – Đàng Ngoài, miền biên viễn Hà Tĩnh trở thành chiến trường của nhiều trận đánh ác liệt. Nguyễn Quang Đa đã thể hiện tinh thần trung quân, dũng cảm xông pha trận mạc, lập được nhiều công lao, ông được vua Lê, chúa Trịnh tin dùng, phong chức Thiên hộ, Phấn lực tướng quân. Sau khi mất, ông được truy tặng tước hiệu Giang Tài hầu.
Ngoài các chiến công hiển hách, Giang Tài hầu Nguyễn Quang Đa còn đóng góp của cải, chiêu dân khai khẩn đất hoang mở rộng làng xóm nên lúc sống trở thành người có danh vọng, lúc mất được phụng thờ chu đáo.
Vào năm 1911, khi xây dựng nhà thờ họ, con cháu đã đồng thời xây dựng một miếu thờ riêng Nguyễn Quang Đa với tôn xưng Thần tổ. Ghi nhận công lao của ông, các triều vua nhà Nguyễn sau này đã ban nhiều đạo sắc phong thần.
Hiện nay, nhà thờ Nguyễn Quang Đa là nơi thờ tự, cúng tế, tề tựu của con cháu trong dòng họ, cũng là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống của người dân trong vùng.
Rước bằng từ trụ sở xã về di tích nhà thờ Nguyễn Quang Đa.
Đến nay, dù dã trải qua những lần tu sửa và nhiều biến cố lịch sử nhưng di tích này cơ bản vẫn còn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, mang đậm dấu ấn thời gian qua nét rêu phong, cổ kính.
Trong di tích còn có nhiều sắc phong, mũ, hài, kiếm gỗ... và các hiện vật khác ghi nhớ công lao của bậc tiền nhân, có giá trị lịch sử.