Sáng 2/8, UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đền Phú Sơn.
Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, di tích đền Phú Sơn (thuộc thôn Phú Sơn, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) là di sản văn hóa vật thể gắn với nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước.
Nằm ở vị trí “non nước hữu tình”, phía trước là sông Rào Cái (Hoàng Hà) phía sau là núi Tượng Sơn, đền Phú Sơn thờ cúng các vị thần Tam Lang và thần Nông, Thánh Mẫu, là những vị thần gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam từ xưa.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Thạch Hà trao bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Phú Sơn cho chính quyền địa phương.
Đền có kiến trúc độc đáo, được bố trí đăng đối trên trục thần đạo, từ ngoài vào trong theo lối chữ Nhị (二) với nghi môn, sân đền, hạ điện và thượng điện. Trong đó, nghi môn là một điểm nhấn với kiểu kiến trúc hai tầng cửa vòm, thượng thu, hạ thách, vừa có tính mỹ thuật, vừa tạo sự vững chãi.
Đền Phú Sơn là công trình tín ngưỡng được trang trí nhiều đề tài truyền thống mang dấu ấn nghệ thuật dân gian của thợ nề Đình Hòe xã Kiều Mộc, tổng Hạ Nhị xưa (nay thuộc xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà).
Dựa vào hoa văn và kỹ thuật trang trí, giới chuyên môn xác định, đền được xây dựng vào khoảng thời gian cuối Nhà Lê đầu Nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX). Không chỉ là di sản văn hóa vật thể hàng trăm năm tuổi, đền còn gắn với nhiều lễ hội, tín ngưỡng của người dân trong vùng.
Dù có tuổi đời trên 200 năm, hiện đền Phú Sơn vẫn còn giữ được những yếu tố gốc trong kiến trúc nghệ thuật.
Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, ngày 13/1/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định công nhận đền Phú Sơn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Việc được công nhận di tích cấp tỉnh cũng là cơ sở để chính quyền, người dân xã Tượng Sơn tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.