Đồng chí Phan Đăng Lưu - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

(Baohatinh.vn) - 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã sớm ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Là một thanh niên yêu nước, sớm nhận thức về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã tích cực hoạt động cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Chân dung nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu. Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1923-1924, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, đồng chí Phan Đăng Lưu được nhận làm viên chức của Sở Canh nông Bắc Kỳ và công tác tại trạm nghiên cứu tơ tằm ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ.

Một năm sau, đồng chí Phan Đăng Lưu chuyển về làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An ở Vinh và gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt Cách mạng Đảng rồi phát triển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Nghi ngờ Phan Đăng Lưu có liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, tháng 6/1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi. Trở về quê hương, đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng, được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại huyện Yên Thành (Nghệ An).

Tháng 5/1928, đồng chí Phan Đăng Lưu được điều động vào Huế tham gia Ban Biên tập Quan Hải Tùng Thư và được bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ. Không lâu sau đó, vào tháng 7/1928, tại Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Cuối tháng 9/1928, đồng chí được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Đồng chí Phan Đăng Lưu (hàng sau, thứ hai từ trái sang) trong phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939 tại Huế. Ảnh: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 9/1929, được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng khi ở Hải Phòng, do có kẻ phản bội, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam triều ở Nghệ An kết án 3 năm tù khổ sai, đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột.

Trong tù, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia ban lãnh đạo nhà tù. Đồng chí đã kết hợp với một số anh em tù chính trị bí mật ra tờ “Doãn Đê tù báo”. Tờ báo được bí mật viết tay, lưu truyền trong nội bộ nhà tù, báo ra hằng tuần, đọc xong rồi hủy đi, vừa là công cụ giác ngộ lính gác tù người Ê-đê, vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng. Giữa năm 1936, được thả và bị đưa về quê nhà quản thúc, nhưng chỉ một thời gian ngắn, đồng chí đã vào thành phố Huế bắt liên lạc với tổ chức.

Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu lịch sử.

Đầu năm 1937, đồng chí Phan Đăng Lưu tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, được cử vào ban lãnh đạo Xứ ủy và tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng, tiếp tục tham gia lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ. Đến tháng 9/1939, đồng chí được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ.

Cũng trong quãng thời gian này, đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 bàn về chuyển hướng chiến lược của Đảng, tiến tới giai đoạn dân tộc giải phóng. Tháng 11/1940, đồng chí ra Hà Nội họp với Xứ ủy Bắc Kỳ thống nhất tổ chức hội nghị tái lập BCH Trung ương.

Tượng đài nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Từ ngày 6 - 9/11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng diễn ra tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), đồng chí Phan Đăng Lưu được cử vào BCH Trung ương mới và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ngày 22/11/1940, khi vừa tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đến ngày 3/3/1941, bị Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình. Ngày 26/8/1941, đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn ngã ba Giồng (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định).

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo tài năng, góp phần chuyển hướng đúng đắn nhiệm vụ cách mạng qua mỗi giai đoạn lịch sử. Đồng chí còn là một chiến sỹ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng và là tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện noi gương đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức học tập, lao động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(Tổng hợp)

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói