Chiều nay (18/1), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến về việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, tiến tới chính thức sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia theo Quyết định số 28/2018/QĐ -TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở TT&TT và đại diện văn phòng, cán bộ chuyên trách CNTT các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã...
Thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan triển khai thử nghiệm hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành (hệ thống QLVB&ĐH) phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử.
Đến nay, có 84/95 (82%) bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử, các đơn vị còn lại đang phối hợp thực hiện. Trong số các đơn vị hoàn thành kết nối thử nghiệm có 76 đơn vị đã phản hồi trạng thái tình hình xử lý văn bản; 2 đơn vị chưa phản hồi trạng thái.
Đối với các đơn vị đã phản hồi trạng thái, có 41 đơn vị phản ánh đầy đủ trạng thái xử lý (từ khâu văn thư đến lãnh đạo, chuyên viên); 22 đơn vị phản ánh chưa đầy đủ trạng thái xử lý; 13 đơn vị mới phản hồi văn bản đã đến tại bộ phận văn thư.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh
Tại hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thử nghiệm và đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, VNPT hướng dẫn thực hiện.
Tại Hà Tĩnh, hiện tỉnh đã hoàn thành cung cấp máy chủ bảo mật (máy chủ dùng riêng); hoàn thành triển khai kết nối mạng TSLCD; hoàn thành gửi, nhận và phản hồi đủ trạng thái triển khai thử nghiệm gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Tuy nhiên, hiện một số địa phương chưa đồng bộ phần mềm theo quy định chung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất quan điểm thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có bước chuẩn bị tốt để triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia (ảnh Internet)
Các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành nâng cấp, cập nhật tính năng hệ thống QLVB&ĐH, phần mềm trung gian phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, bảo đảm phản hồi đầy đủ trạng thái xử lý văn bản. Thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Đồng thời, các đơn vị, địa phương tiếp tục phản hồi quá trình thử nghiệm để Văn phòng Chính phủ xem xét, đánh giá.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu: Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và chứng thư số sử dụng thiết bị phù hợp bảo đảm an toàn, an ninh cho Trục liên thông văn bản quốc gia; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc đăng ký chứng thư số và triển khai tích hợp trên các máy chủ bảo mật. Các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống QLVB&ĐH tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ, thực hiện ký số văn bản điện tử khi gửi, nhận nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử.
Trên cơ sở kết quả triển khai chuyển đổi, kết nối, liên thông các hệ thống QLVB&ĐH với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức lễ khai trương, công bố triển khai chính thức Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Thời gian dự kiến vào ngày 20/2/2019.