Đưa sinh hoạt văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Đều đặn mỗi chiều thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, tại sân Khu di tích nhà thờ danh nhân Nguyễn Công Trứ lại vang lên những tiếng đàn “tom”, “chat” trầm đục cùng những lời ca ngân nga vang vọng. Các thành viên CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ say sưa biểu diễn các tiết mục phục vụ du khách. CLB cũng dạy cho thế hệ trẻ để tiếp nối, gìn giữ nghệ thuật ca trù. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện Nghi Xuân.

Video: Một buổi biểu diễn ca trù của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ

Từ khi thành lập đến nay, CLB đã không ngừng đổi mới nội dung sinh hoạt, tích cực tìm tòi, sưu tầm và sáng tác nhiều tiết mục biểu diễn cho các đoàn khách đến tham quan, góp phần quảng bá du lịch cho địa phương. Những buổi biểu diễn của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ góp phần lưu giữ những giá trị đặc sắc của quê hương, tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách mỗi khi về với mảnh đất Nghi Xuân.

Đưa sinh hoạt văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh

Mỗi chiều thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, tại sân Khu di tích nhà thờ Nguyễn Công Trứ, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ du khách thập phương.

Chị Phan Thị Vân (du khách Hà Nội) chia sẻ: “Từng nhiều lần về Nghi Xuân trải nghiệm các dịch vụ du lịch, tôi cũng đã có cơ hội được nghe những làn điệu ca trù tại nhà thờ Nguyễn Công Trứ. Những thanh âm trầm đục từ chiếc đàn đáy, trống chầu hay bộ phách cùng chất giọng thanh, cao của các nghệ nhân rất hấp dẫn lòng người”.

Đưa sinh hoạt văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh

Các tiết mục biểu diễn của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ thu hút nhiều bạn trẻ đến thưởng thức.

Không chỉ chị Vân mà với nhiều du khách khi về “miền đất hát” Nghi Xuân, bên cạnh việc tìm đến những bãi biển thơ mộng hay những di tích lắng đọng thời gian, nhiều người cũng đã tìm đến nhà thờ Nguyễn Công Trứ để nghe ca trù. Ít nhiều, ca trù trở thành cơ duyên để du khách tìm về Nghi Xuân.

Đưa sinh hoạt văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh

Nhiều thành viên của các CLB văn nghệ dân gian ở Nghi Xuân là “nòng cốt” trong việc phát triển du lịch của huyện. (Ảnh: Thiên Vỹ)

Nghệ nhân Đặng Thị Thùy Vân - Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Với tình yêu ca trù và mong muốn đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với du khách thập phương, các thành viên đã chung sức, đồng lòng cùng vượt khó đưa CLB ngày càng phát triển. Trong những năm qua, chúng tôi đã tập luyện và biểu diễn thành công nhiều vở diễn và các trích đoạn, tham gia nhiều cuộc thi ở trong và ngoài tỉnh, đạt được những thành tích đáng ghi nhận. CLB cũng tích cực biểu diễn phục vụ khách du lịch đến tham quan các di tích, thắng cảnh trên địa bàn. Bởi vậy, đến nay, ngoài vai trò lưu giữ lại những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật ca trù, CLB còn là “nòng cốt” trong việc phát triển du lịch của huyện”.

Mỗi CLB dân gian trên mảnh đất Nghi Xuân đều chứa đựng những giá trị văn hóa rất độc đáo. Đây không chỉ là một “kênh” nâng cao văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống, quảng bá hình ảnh quê hương tới du khách mọi miền.

Đưa sinh hoạt văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh

Các thành viên của CLB Trò Kiều Xuân Liên luôn nỗ lực “làm mới” mình để có những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn hơn.

Nghệ nhân Nguyễn Huýnh - Chủ nhiệm CLB Trò Kiều Xuân Liên chia sẻ: “Suốt một đời tâm huyết với trò Kiều, tôi và các thành viên trong CLB mong muốn sẽ được tạo điều kiện để có thể mở rộng hoạt động biểu diễn, phục vụ du khách thập phương. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực “làm mới” mình để có những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn hơn nữa”.

Bên cạnh ca trù, trò Kiều thì ví, giặm cũng là một loại hình nghệ thuật có nhiều CLB nhất tại huyện Nghi Xuân. Hiện nay, toàn huyện đang có 67 CLB ví, giặm. Dù chưa chính thức biểu diễn phục vụ khách du lịch nhưng các CLB luôn hoạt động sôi nổi, thường xuyên tham gia các chương trình do địa phương tổ chức.

Chị Lê Thị Thanh Hợi - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm thôn Hồng Tiến (xã Xuân Giang) cho biết: “Với tình yêu ví, giặm, chúng tôi rất mong muốn có được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương để có thể tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ du khách. Sắp tới, địa phương sẽ có nhiều hoạt động du lịch, chúng tôi hy vọng có nhiều cơ hội để biểu diễn, quảng bá hình ảnh quê hương rộng khắp hơn”.

Đưa sinh hoạt văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch ở Hà Tĩnh

Các thành viên của nhiều CLB dân ca ví giặm huyện Nghi Xuân kết hợp trong một tiết mục biểu diễn.

Được biết, hiện nay, toàn huyện Nghi Xuân có 226 CLB, trong đó có: 18 CLB dân ca ví, giặm ở các xã, thị trấn; 49 CLB dân ca, ví, giặm ở trường học các cấp; 2 CLB ca trù, 2 CLB trò Kiều, 1 CLB sắc bùa, 1 CLB chèo văn, 1 CLB chèo nghẹt, 152 CLB văn nghệ dân gian của các thôn, tổ dân phố.

Mặc dù mới chỉ có CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ hoạt động biểu diễn cho du khách, song, các CLB khác cũng đã “lên dây cót” để phát triển các loại hình nghệ thuật độc đáo thành sản phẩm du lịch của địa phương.

Bà Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân chia sẻ: “Để nâng tầm hoạt động của các CLB dân gian ở địa phương thành sản phẩm du lịch, chúng tôi đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng biểu diễn cho thế hệ nghệ nhân trẻ, đồng thời, thực hiện các buổi biểu diễn để họ nâng cao kỹ thuật. Chúng tôi đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ theo từng chủ đề, sự kiện. Qua đó, góp phần tạo động lực để các CLB tiếp tục duy trì tập luyện, biểu diễn, đảm bảo chất lượng cả về nội dung và nghệ thuật, có sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và Nhân dân trên địa bàn.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast