Hà Tĩnh cần “đánh thức” tiềm năng, phát triển du lịch trên không gian di sản văn hóa

(Baohatinh.vn) - Tham gia chuyến khảo sát không gian văn hóa di sản do Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị Truyện Kiều và Nguyễn Du tổ chức, các nhà nghiên cứu cho rằng, Hà Tĩnh giàu tiềm năng di sản văn hóa, cần “đánh thức”, khai thác phát triển du lịch trong tương lai.

Video: Ông Dương Đức Minh nói về tiềm năng phát triển du lịch trên không gian di sản văn hóa Hà Tĩnh.

Theo lời mời của Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Truyện Kiều và Nguyễn Du (Hà Tĩnh), từ ngày 2/12 - 4/12/2022, đoàn chuyên gia gồm một số giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa và du lịch đến từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham quan, khảo sát một số điểm du lịch ở Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh cần “đánh thức” tiềm năng, phát triển du lịch trên không gian di sản văn hóa

Đoàn công tác tham quan Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân).

Theo đó, đoàn đã khảo sát các điểm đến nằm trong không gian di sản văn hóa Hà Tĩnh, như: Khu di tích Nguyễn Du, Nhà thờ Nguyễn Công Trứ, đền Củi (Nghi Xuân), chùa Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh), Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên (Thạch Hà), hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), Văn Miếu (TP Hà Tĩnh), Ngã ba Đồng Lộc, làng Trường Lưu (Can Lộc)... Chuyến khảo sát đã để lại cho các nhà nghiên cứu nhiều ấn tượng, trong đó có cái nhìn bao quát về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch văn hóa của Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh cần “đánh thức” tiềm năng, phát triển du lịch trên không gian di sản văn hóa

Các nhà nghiên cứu thực hiện nghi thức tưới rượu trên mộ Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân).

Thạc sỹ Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hà Tĩnh là địa phương có độ hội tụ rất cao về các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa, nhất là không gian văn hóa danh nhân và dòng họ. Trong đó, Hà Tĩnh có không gian văn hóa ký ức văn chương rất sâu lắng, gần gũi với người dân cả nước qua các danh nhân tiêu biểu, như: Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...

Đây là yếu tố đầy tiềm năng trong khai thác du lịch mà Hà Tĩnh cần chú trọng xây dựng, phát triển. Đặc biệt, với “Con đường di sản miền Trung” - một trong những chương trình trọng tâm trong phát triển du lịch Việt Nam hiện nay thì không gian di sản văn hóa Hà Tĩnh là một điểm đến tuyệt vời”.

Hà Tĩnh cần “đánh thức” tiềm năng, phát triển du lịch trên không gian di sản văn hóa

CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ biểu diễn phục vụ đoàn công tác.

Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng sản phẩm du lịch không gian di sản với những câu chuyện hấp dẫn, thú vị, nhân văn. Hà Tĩnh hoàn toàn có thể xây dựng sản phẩm tương tự bởi hầu hết các di tích văn hóa lịch sử ở Hà Tĩnh đều ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị, nhiều huyền tích, huyền sử.

Từ những câu chuyện Nguyễn Du với phường săn núi Hồng, đi hát phường vải Trường Lưu hay câu thơ di nguyện của Đại thi hào để lại “Sống nay chẳng dốc cạn bình/ Chết rồi tưới rượu mộ mình có ai” (Đối tửu); Nguyễn Công Trứ với những giai thoại về cuộc đời ông; biển Quỳnh Viên với giai thoại về Chử Đồng Tử và Tiên Dung xuôi thuyền phương Nam tìm thầy học đạo... đều có thể xây dựng nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo nên không gian di sản văn hóa đặc trưng thu hút du khách.

Ngoài di sản văn hóa vật thể, Hà Tĩnh cũng rất giàu di sản văn hóa phi vật thể như: ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều... Trong đó, không gian diễn xướng của các loại hình này gắn liền với các điểm đến là một lợi thế để phát triển du lịch văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị An - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Tôi đã từng nghe các nghệ nhân trực tiếp biểu diễn ca trù ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng mỗi lần về Nghi Xuân nghe ca trù, lòng tôi lại có cảm nhận rất đặc biệt. Nhất là khi tôi được nghe các ca nương, kép đàn biểu diễn tại đền thờ Nguyễn Công Trứ. Chính không gian văn hóa nơi đây đã khiến cho giai điệu của loại hình nghệ thuật này trở nên lay động đến cảm xúc sâu lắng nhất của tâm hồn người nghe. Theo tôi, đây chính là những giá trị mà du khách mong muốn được thưởng thức, trải nghiệm trong chuyến hành trình của mình”.

Video: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị An chia sẻ về cảm xúc sau khi nghe ca trù tại đền thờ Nguyễn Công Trứ.

Không chỉ tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm không gian di sản văn hóa, chuyến khảo sát còn mở ra nhiều ý tưởng và định hướng hợp tác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành với Hà Tĩnh trong tương lai.

Thạc sỹ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Hiện, chúng tôi đang có dự định xúc tiến hợp tác với Hà Tĩnh về triển khai một số mô hình du lịch trải nghiệm không gian văn học gắn liền với các danh nhân như Đại thi hào Nguyễn Du, Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ... Đây là một loại hình du lịch đã phát huy hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Chúng tôi tin với sự chuẩn bị bài bản, có chiến lược, việc thực hiện mô hình du lịch này sẽ là điểm nhấn thu hút du khách đến với Hà Tĩnh, cũng như trong các tour, tuyến du lịch hành trình di sản miền Trung ở tương lai”.

Hà Tĩnh cần “đánh thức” tiềm năng, phát triển du lịch trên không gian di sản văn hóa

Đoàn tham quan Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên (Thạch Hải, Thạch Hà).

Hiện, chúng tôi đang cùng với một số nhà đầu tư chuẩn bị triển khai xây dựng một số dự án du lịch về “Không gian di sản văn hóa Truyện Kiều và Nguyễn Du” và một số danh nhân khác ở Hà Tĩnh. Do vậy, ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu từ chuyến khảo sát là cơ hội để chúng tôi có cái nhìn toàn diện, tìm ra định hướng xây dựng dự án trong thời gian tới. Sau khi hoàn thiện hồ sơ dự án, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh xem xét tiến tới thực hiện hóa ý tưởng.

Ông Hà Văn Thạch
Giám đốc Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast