Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo huyện Đức Thọ...
Trong giai đoạn 2015-2018, công tác CCHC ở Đức Thọ đã được triển khai khá toàn diện trên cả 6 nội dung, thực hiện được nhiều công việc, từng bước đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực. Chiến lược, mục tiêu, giải pháp thực hiện CCHC luôn được đảm bảo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Kết quả công tác CCHC đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố và duy trì ổn định chính chính trị.
Các văn bản quy phạm pháp luật đã được tham mưu, xây dựng đảm bảo trình tự, thủ tục, được kiểm tra, kiểm soát và từng bước được hệ thống hóa. Ngoài tự kiểm tra được 101 văn bản quy phạm pháp luật thì từ 2015-2018, cấp huyện đã tiến hành rà soát 6 văn bản quy phạm pháp luật, cấp xã 95 văn bản quy phạm pháp luật và sau kiểm tra, rà soát không phát hiện sai sót nào.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức: Kết quả rõ nét nhất là hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính đã được nâng lên; thể chế của nền hành chính được cải cách và từng bước hoàn thiện; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp hợp lý; mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp được cải thiện đáng kể...
Những năm qua, việc niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp huyện (nay là trung tâm hành chính công) luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông luôn được quan tâm; trung tâm hành chính công hoạt động ngày càng hiệu quả; cán bộ tiếp dân nêu cao tinh thần phục vụ; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp dân, CCHC được trang bị đầy đủ theo hướng hiện đại hóa hành chính.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2015-2018, huyện Đức Thọ đã tiếp nhận 55.838 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 54.663 hồ sơ (đúng hạn 54.405 hồ sơ, quá hạn 258 hồ sơ); đang giải quyết 1.157 hồ sơ (chưa đến hạn 1.133 hồ sơ, đang giải quyết quá hạn 15 hồ sơ). Nhiều lĩnh vực đã được đưa vào trung tâm hành chính công của huyện.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Đoàn Đình Anh: Đức Thọ là một trong những địa phương đi đầu, quyết liệt nhất trong CCHC và đã đạt được những kết quả khá tích cực trên các lĩnh vực.
Công tác cải cách bộ máy hành chính tiếp tục được quan tâm, trong đó đáng chú ý là đã sáp nhập được 3 phòng chuyên môn, 2 đơn vị sự nghiệp, 3 lãnh đạo và 11 người trong biên chế hành chính. Sắp tới, Đức Thọ sẽ là một trong những huyện đi đầu trong sáp nhập đơn vị hành chính với 16 xã được sáp nhập.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, được bố trí công việc theo đề án vị trí việc làm; việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt được thực hiện nghiêm túc (bổ nhiệm mới 40 người, bổ nhiệm lại 59 người, thuyên chuyển 131 người, tiếp nhận 34 người)...
Trung tâm hành chính công huyện Đức Thọ ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng thêm lĩnh vực, đáp ứng được nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Công tác chỉ đạo chưa ngang tầm, chưa kiên quyết, chưa bám sát các mục tiêu cải cách; chưa tạo được sự đồng bộ, gắn kết giữa CCHC với công tác chỉnh đốn và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị;
Đầu tư nhân lực, trí lực, nguồn lực cho CCHC chưa thỏa đáng; chất lượng văn bản nhìn chung còn chưa cao, chưa thể hiện được tính nhất quán; dù được cải cách nhưng thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà; một số cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, đặc biệt là áp dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 còn thấp...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Trong thời gian tới, Đức Thọ cần tiếp tục tập trung vào cuộc đồng bộ để đạt được những kết quả toàn diện trong 6 nội dung của công tác CCHC.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh giá cao quyết tâm, sự nỗ lực và những kết quả trong công cuộc hiện đại nền hành chính công ở huyện Đức Thọ. Đây được xem là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, chất lượng phục vụ của cán bộ, củng cố niềm tin trong nhân dân, ổn định tình hình, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị khác.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng mong rằng, trong thời gian tới, Đức Thọ cần tiếp tục tập trung vào cuộc đồng bộ hơn nữa để đạt được những kết quả toàn diện trong 6 nội dung của công tác CCHC. Sau khi ban hành các quy trình, quy định, huyện cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ cơ sở trong quá trình thực hiện, nhất là kiểm tra đột xuất.
Ngoài nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, các địa phương cần quan tâm bố trí cán bộ, vị trí phù hợp cho trung tâm giao dịch một cửa cấp xã. Đội ngũ cán bộ tiếp dân phải luôn nêu cao tinh thần phục vụ, có thái độ niềm nở, nhiệt tình và thông qua dịch vụ công, cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường "xin lỗi" nhân dân, doanh nghiệp khi có sai sót, xử lý hồ sơ quá hạn.