Sáng nay (4/3), UBND huyện Đức Thọ đã có buổi làm việc với Quỹ xã hội Phan Anh và các doanh nghiệp trên địa bàn về kế hoạch hỗ trợ dự án cách mạng số, với tổng số vốn dự kiến 200 tỷ đồng. |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tuấn đã bày tỏ lòng cảm gia đình cố luật sư Phan Anh (người con xã Tùng Ảnh, Đức Thọ) và Quỹ xã hội Phan Anh đã quan tâm, giúp đỡ huyện nhà. Huyện sẽ trực tiếp báo cáo và xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất.
Dự án sẽ căn cứ tình hình cụ thể của huyện Đức Thọ để xây dựng đề án, chiến lược, kế hoạch lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của huyện, gắn kết với ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính phủ số, chính quyền số các cấp, thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thi thông minh.
Điểm nhấn của dự án là hướng tới việc thu hút và huy động tối đa sự tham gia, đóng góp của người dân địa phương, nhất là các em học sinh tại các trường học các cấp của huyện. Dự án sẽ triển khai trong giai đoạn từ 3 - 5 năm.
Giám đốc Quỹ xã hội Phan Anh Phan Triều Dương thông qua kế hoạch hỗ trợ cho dự án cách mạng số tại huyện Đức Thọ.
Mục tiêu của dự án là sẽ số hóa quản trị nông thôn, số hóa kinh tế nông thôn, số hóa đời sống nông thôn, xây dựng hạ tầng công nghệ số nông thôn. Công nghệ số sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ tiếp cận và ứng dụng với công nghệ số.
Chẳng hạn, công nghệ số sẽ giúp cho người nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho việc đăng ký nguồn gốc sản phẩm; người mua hàng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa qua nhãn mác qua hệ thống Blockchain.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng trình bày những ưu điểm, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành nếu sớm được xây dựng dự án cách mạng số tại huyện Đức Thọ.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp việc tham gia vào sân chơi công nghệ số sẽ có rất nhiều lợi thế, ngoài việc đưa các loại máy móc hiện đại vào sản xuất thì việc quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước sẽ rất dễ dàng và được rút ngắn thời gian, khoảng cách.
Đặc biệt là đối với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, càng được nhiều người biết đến thì sản phẩm càng được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội nghề mộc Thái Yên: Sản phẩm mộc truyền thống Thái Yên đã có thương hiệu từ hàng trăm năm, chất lượng sản phẩm rất tốt nhưng hiện nay khó khăn lớn nhất của làng nghề là sản phẩm sản xuất ra gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Anh Phan Trí Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bao bì Sông La Xanh: Dự án cách mạng số do Quỹ xã hội Phan Anh đầu tư hỗ trợ cho huyện Đức Thọ là hết sức quan trọng, góp phần xây dựng sàn thông tin điện tử của huyện nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Mục tiêu trước mắt của dự án là tạo sự vượt bậc của huyện trên các lĩnh vực như: kinh tế, giáo dục, y tế, quản trị, an ninh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, tạo ra một hình mẫu cho việc phát triển số hóa nông thôn. Đồng thời, thu hút được các dự án cho địa phương, nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần, đưa huyện Đức Thọ là điểm thu hút đầu tư phát triển và trở thành đòn bẩy cho sự phát triển chung của tỉnh và các địa phương lân cận.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Huyện ủy Đức Thọ đã tặng quà lưu niệm cho ban lãnh đạo Quỹ xã hội Phan Anh.
Quỹ Xã hội Phan Anh của cố luật sư Phan Anh (quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) được thành lập ngày 10/9/2020 do vợ là bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh làm Chủ tịch Hội đồng quản lý. Quỹ xã hội Phan Anh là tổ chức không vì lợi nhuận, điều lệ hoạt động của quỹ được Bộ Nội vụ công nhận tại Quyết định số 625/QĐ-BNV ngày 10 tháng 9 năm 2020. |