Sáng 28/7, Huyện ủy Đức Thọ tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 27); sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết 18); Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (gọi tắt là Nghị quyết 19). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ dự và chỉ đạo hội nghị. |
Thực hiện Nghị quyết 27, Đức Thọ xác định đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Thời gian qua, bằng nhiều chủ trương, chính sách, huyện Đức Thọ đã từng bước xây dựng, phát triển đội ngũ này ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt là các chính sách thu hút nhân tài, đạo tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…
Theo thống kê, đến năm 2019, Đức Thọ có 2.920 người có trình độ cao đẳng, 5.241 người có trình độ đại học, 134 thạc sỹ, 5 tiến sỹ.
Về trí thức tham gia công tác trong hệ thống chính trị, đến năm 2020, cấp uỷ cơ sở có 321 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: thạc sỹ có 20 đồng chí, chiếm 6,23%; đại học có 274 đồng chí chiếm 85,3%. Về chính trị, cao cấp có 22 đồng chí, chiếm 6,9%; trung cấp có 256 đồng chí, chiếm 79,7%; sơ cấp có 43 đồng chí chiếm 13,4%.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tính đến năm 2021 có 1.297 người (năm 2008 có 1.151 người), trong đó cao đẳng 160 người, chiếm 12,34% (năm 2008 có 441 người, chiếm 38,30%), đại học có 1.116 người, chiếm 86,04% (năm 2008 có 449 người, chiếm 43,35%), thạc sỹ 5 người, chiếm 0,38% (2008 có 2 người, chiếm 0,17%).
Về thực hiện Nghị quyết 18, 19, trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Thọ đã chủ động triển khai, quán triệt sâu rộng đến tận cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, cá nhân để sắp xếp bố trí hợp lí, tránh chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo. Quá trình tinh giản biên chế đã lựa chọn những cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục công tác, phục vụ Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đặng Giang Trung báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 18, 19
Các đơn vị sau sáp nhập, nhất thể trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của huyện nhà.
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW, Đức Thọ có 28 đơn vị hành chính (27 xã, 1 thị trấn), 243 thôn, tổ dân phố.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện Đức Thọ đã khảo sát, xây dựng đề án, thực hiện sáp nhập 21 xã, thị trấn thành 9 xã, thị trấn mới, giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã, (từ 28 xã thị trấn hiện còn 16 xã, thị trấn); sáp nhập 243 thôn xóm, tổ dân phố xuống còn 155 thôn xóm, tổ dân phố, giảm 88 đơn vị cấp thôn; sáp nhập 67 trường học xuống còn 59 trường, giảm 8 trường; sáp nhập 28 trạm y tế xuống còn 16 trạm, giảm 12 trạm .
Trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Trong quá trình hoạt động các mô hình sáp nhập này còn gặp nhiều khó khăn khi điều hành do chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Đến nay, toàn huyện còn 16 đơn vị hành chính (15 xã, 1 thị trấn), bộ máy các xã mới sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Toàn huyện còn 155 thôn, tổ dân phố, giảm 88 thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2012.
Khối chính quyền (các phòng chuyên môn của UBND huyện) thời điểm 30/6/2017 là 12 phòng, đến 30/6/2022 còn 9 phòng; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, thời điểm 30/6/2017 là 118 đơn vị, đến 30/6/2022 còn 96 đơn vị (giảm 22 đơn vị), cấp trưởng cùng thời điểm 104 người đến nay còn 79 người (giảm 25 người), cấp phó cùng thời điểm 120 người đến nay còn 101 người (giảm 19 người).
Ông Bùi Ngọc Nhật, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho rằng: Đối với địa phương sau khi sáp nhập đã phát huy được tinh thần đoàn kết gữa 2 đơn vị từ đó nâng cao được vai trò hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành lãnh đạo, được người dân đồng tình ủng hộ cao.
Hiện nay, toàn huyện có 379 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó 190 cán bộ, 189 công chức. So với thời điểm 30/6/2017, số lượng cán bộ, công chức cấp xã đã giảm 149 người.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế để đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị tiếp tục đầu tư hạ tầng, tạo không gian phát triển đối với những xã đã thực hiện sáp nhập qua đó, tuyên truyền tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đánh giá cao hiệu lực, hiệu quả sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở huyện Đức Thọ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng nhấn mạnh: Việc tinh gọn để phát huy hiệu quả, mà hiệu quả ở đây là từ cơ sở do đó huyện phải tập trung vào từng việc cụ thể; việc tinh gọn đã hợp lý, đã phát huy được hiệu quả công việc hay chưa, có đảm bảo được tính chất công việc hay không. Bên cạnh đó, việc sáp nhập phải tính toán đến sự tương đồng, tính đặc thù công việc phải tương đối như vậy mới phát huy được hiệu quả công việc.
Đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những việc đã làm được như tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy hành chính. Tuy nhiên, đi kèm theo đó cũng có nhiều hệ lụy như lãng phí về cơ sở vật chất; cán bộ bán chuyên trách có trình độ chuyên môn nhưng do quy định của trên nên buộc phải nghỉ việc...
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới các cấp ngành liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và Nhân dân.
Đồng thời, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phù hợp nhằm phát huy được năng lực của từng người, từng vị trí; ưu tiên lựa chọn những người có kinh nghiệm, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, có năng lực, trình độ và có tinh thần trách nhiệm cao để đảm đương các chức danh được nhất thể hoá. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện mong muốn sự quan tâm đúng mức của tỉnh, Trung ương nhằm tạo môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ các xã sau sáp nhập được thuận lợi hơn.
Bí thư Huyện ủy đề nghị tỉnh quan tâm và cho hướng xử lý vấn đề cơ sở vật chất dôi dư, đồng thời quan tâm đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với những địa phương sau sáp nhập.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Thọ trao tặng giấy khen cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 18, 19