Ám ảnh camera quay lén
Thời gian qua, tình trạng sử dụng thiết bị quay lén để ghi lại hình ảnh nhạy cảm của khách ở nhà nghỉ, điểm lưu trú nhằm mục đích tống tiền, cưỡng đoạt tài sản đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc mua bán, sử dụng trái phép các loại công cụ quay lén vào các hành vi vi phạm. Trong khi đó, dạo 1 vòng trên mạng, chúng ta dễ dàng tiếp cận đủ các loại thiết bị quay lén tinh vi, được rao bán tràn lan từ loại lắp đặt camera trong những ngóc ngách, góc tường, trần nhà đến lắp trong các vật dụng nội thất như đèn, loa, đèn ngủ, điều hòa nhiệt độ…
Điểm chung của các mặt hàng này là mắt camera rất nhỏ, gần như không thể phát hiện khi nhìn vào. Và mức giá cũng đủ loại, từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng tùy theo..."chất lượng”. Điểm ưu việt của các thiết bị này này là loại camera siêu nhỏ (mini) có thể dùng để quay, ghi âm chất lượng tốt. Vì vậy, một số đối tượng đã đặt mua để phục vụ mục đích quay lén, quay trộm nhằm mục đích phục vụ nhu cầu biến thái của cá nhân hoặc sử dụng để làm công cụ, phương tiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như: đe dọa tống tiền, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Mới đây, Công an huyện Can Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Khắc Giang (SN 1987, thường trú tại TDP 2, phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, vào khoảng tháng 9/2023, Nguyễn Khắc Giang đến một nhà nghỉ trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, thuê phòng rồi lợi dụng sơ hở lắp các thiết bị quay lén để ghi lại hình ảnh nhạy cảm của khách. Sau đó, Giang sử dụng tài khoản Facebook ảo liên hệ, nhắn tin với bị hại, đe dọa gửi các hình ảnh, clip nhạy cảm đã chụp và quay được cho người thân, bạn bè của bị hại hoặc tung lên mạng xã hội nhằm mục đích tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân. Bằng thủ đoạn này, Giang đã cưỡng đoạt tổng số tiền 11 triệu đồng từ bị hại.
Cần xử lý nghiêm minh
Rõ ràng, hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân, quay phim chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép (đặt camera quay lén) là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ghi hình người khác trong những tình thế nhạy cảm.
Theo Luật sư Nguyễn Đình Hồng (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi quay lén, chụp lén người khác là hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người bị quay lén theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi này cũng có thể vi phạm hành chính, thậm chí là bị xử lý hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định của luật.
Theo quy định pháp luật hiện nay, người có hành vi quay lén người khác có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, cụ thể là vi phạm về việc “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” và có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Đối với hành vi quay lén người khác và sử dụng hình ảnh để làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị quay lén thì có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự với các mức phạt tù đến 5 năm.
Ngoài ra, nếu có hành vi quay lén người khác và sử dụng hình ảnh đó để lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất từ 7 đến 15 năm tù.
Với hành vi sử dụng hình ảnh quay lén nhằm mục đích đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của Nguyễn Khắc Giang sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt được áp dụng cao nhất đến 20 năm tù.
Theo Luật sư Nguyễn Đình Hồng, dù kinh doanh camera là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có sự kiểm soát rất chặt chẽ của cơ quan chức năng nhưng thực tế việc mua bán camera giấu kín trên mạng vẫn tràn lan và dễ dàng.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý nghiêm minh, phạt nặng các trường hợp vi phạm để mang tính răn đe và tìm hiểu rõ nguyên nhân của hành vi vi phạm để ngăn chặn các vụ việc tương tự. Nếu không xử lý hay xử lý nhẹ, vấn nạn này sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường.