Đuối nước trẻ em ở Hà Tĩnh: Bao giờ mới hết “giá như”?

(Baohatinh.vn) - Chưa đầy 4 tháng đầu năm, Hà Tĩnh đã ghi nhận 8 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Vì đâu mà dù được cảnh báo nhiều nhưng con số nạn nhân tử vong vẫn không ngừng tăng?...

Những con số... buồn!

Hiện trường vụ đuối nước tại xã Xuân Lộc (Can Lộc) vào chiều 19/4.

Tại Hà Tĩnh, đã có 8 học sinh tử vong do đuối nước trong chưa đầy 4 tháng, trong đó, chỉ tính riêng 2 tuần đầu tháng 4/2021 đã có 5 em tử vong.

Ngày 1/4, em N.L.M (SN 2006) tử vong tại hồ nước thuộc xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc); ngày 4/4, em P.N.Đ (SN 2006) tử vong tại sông Ngàn Phố đoạn thuộc địa phận xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn); ngày 5/4, em V.V.H (SN 2007) tử vong tại đập Cánh Hạc (xã Phúc Đồng - Hương Khê); ngày 14/4, em N.T.M.L (SN 2005) không may trượt chân ngã xuống khe Xai Phố (Hương Sơn) tử vong...

Gần đây nhất là trường hợp em T.B.Q (SN 2007) tử vong khi đi lùa vịt tại sông Ba Nái (đoạn qua xã Xuân Lộc - Can Lộc) vào chiều ngày 19/4/2021.

Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 8 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước (Trong ảnh: Khu vực em N.T.M.L gặp nạn tại khe Xai Phố - Hương Sơn).

Theo số liệu báo cáo của ngành chức năng, năm 2019, tổng số trẻ em tử vong do đuối nước là 32 em; năm 2020 là 34 em.

Các vụ đuối nước thường tập trung vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, học sinh chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè với tâm lý “chơi xả hơi”. Năm nay, mùa nắng nóng mới chỉ bắt đầu nhưng số lượng và tần suất xẩy ra tai nạn đuối nước khiến nhiều người giật mình, xót xa.

Trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối không có sự giám sát của người lớn sẽ rất nguy hiểm. (Ảnh tư liệu).

Ông Nguyễn Xuân Thái - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - trẻ em - bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho biết: “Các địa phương ở Hà Tĩnh có địa hình lắm ao hồ, sông suối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong tuyên truyền nhưng con số trẻ em tử vong vẫn đáng báo động. Điều này cho thấy rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ từ gia đình”.

Thiếu kỹ năng sống và sự quản lý từ gia đình

Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước đều xuất phát từ việc trẻ em rủ nhau đi tắm tại các ao hồ, sông suối mà không có sự quản lý của người lớn. Nhiều em có tâm lý ham chơi, ưa mạo hiểm nên đã đánh mất chính mạng sống của mình.

Ánh mắt vẫn còn lộ rõ sự thất thần, hoảng loạn sau cái chết của người bạn thân cách đây một tuần, em N.T.T và T.C.T (ở xã Ân Phú - Vũ Quang) kể về buổi chiều định mệnh...

Em N.T.T ở xã Ân Phú - Vũ Quang chia sẻ với phóng viên về sự việc đau lòng vừa xảy ra.

“Chiều hôm đó, nhóm em có 5 bạn rủ nhau ra kênh tắm sau khi đá bóng. Một vài bạn không biết bơi nên ngồi trên bờ, những bạn biết bơi thì xuống tắm, trong đó, bạn T.V.L bơi giỏi nhất nên bơi ra xa nhưng không may bị nước cuốn. Khi bạn gặp nạn, chúng em đã cố gắng cứu nhưng không làm gì được; lúc quay về gọi người lớn ra thì bạn đã bị chìm”, T. chia sẻ.

Được biết, thời điểm các em xuống tắm đã khá muộn, trời nhá nhem tối; nước trong kênh được bơm về rất nhiều nhưng nhóm bạn vẫn bất chấp nguy hiểm. Và điều đáng tiếc đã xảy ra...

Cái chết của người bạn thân là nỗi ám ảnh khó nguôi ngoai đối với N.T.T và T.C.T.

Trở lại với vụ tai nạn ngày 14/4 tại khe Xai Phố (Hương Sơn) khiến em N.T.M.L tử vong. Có thể thấy, nhóm bạn của em L. cũng đã bất chấp nguy hiểm khi rủ nhau trèo lên đỉnh núi để chơi.

Theo người dân địa phương, khu vực em L. gặp nạn địa hình khá hiểm trở với thác nước, khe đá trơn trượt. Dù đã được nhà trường, gia đình cảnh báo nhưng một số em học sinh vẫn thường lên đây chơi, đặc biệt là mùa nắng nóng.

Trẻ vị thành niên tâm sinh lý có nhiều biến động. Các em có nhu cầu lớn trong việc tìm hiểu bản thân và tương tác với thế giới bên ngoài. Đặc biệt, các em dễ bị kích thích bởi những điều mới lạ, thích thể hiện bản thân, trong khi còn thiếu nhiều kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn. Bởi vậy, rất dễ dẫn đến việc các em tự gây tổn thương mất mát cho mình. Các gia đình cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - Trường Đại học Hà Tĩnh

Những con kênh như thế này khi nước về thường thu hút sự hiếu kỳ của trẻ em, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước nên rất cần sự quản lý chặt chẽ hơn của các gia đình đối với con em mình.

Bên cạnh sự thiếu ý thức, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình và ứng cứu bạn trong những trường hợp nguy cấp của học sinh thì trách nhiệm của gia đình trong quản lý, giám sát con em cũng là điều rất đáng bàn.

Trẻ em là độ tuổi rất hiếu động, ưa thích khám phá, tuy nhiên, do điều kiện công việc, tâm lý chủ quan nhiều phụ huynh vẫn chưa thật sự quan tâm, quản lý con cái, đặc biệt là là vùng nông thôn.

Các ngành chức năng, nhà trường đã rất nỗ lực trong tuyên truyền phòng chống đuối nước nhưng rất cần ý thức của chính các em và trách nhiệm của gia đình. (Trong ảnh: Một buổi học bơi của học sinh Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh).

Một người hàng xóm của em V.V.H - nạn nhân tử vong trong vụ đuối nước chiều ngày 5/4 tại xã Phúc Đồng (Hương Khê) cho biết: “Cháu H. là người khuyết tật, vốn không được nhanh nhẹn. Rất tiếc là trong một phút lơ là của người lớn, điều không may đã xảy ra. Hôm ấy, đến cuối ngày, khi cháu đi chơi không thấy về, mọi người mới đi tìm thì đã quá muộn, cháu tử vong trước đó rồi”.

Một phút ham chơi của trẻ nhỏ, sự chủ quan, lơ là của người lớn đã phải trả bằng những cái giá quá đắt. Dù các cấp, ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều biện pháp nhưng ý thức của chính các em và trách nhiệm của gia đình mới là điều quan trọng nhất để bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ mất an toàn. Đừng để khi sự việc đau lòng xẩy ra mới thốt lên “giá như”...

Chủ đề Đuối nước, chết đuối

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói