Theo BusinessInsider, lời thừa nhận muộn màng này của Facebook được đưa ra đúng một tuần sau khi CEO Zuckerberg tham gia vào một cuộc phỏng vấn với phóng viên Ezra Klein của trang tin Vox, trong đó tiết lộ việc Facebook can thiệp nhằm chống lại các hành vi xấu trên một trong các nền tảng của hãng: Facebook Messenger, và chính sách dữ liệu của hãng bắt đầu thu hút sự chú ý từ phía các nhà hoạt động về quyền riêng tư.
"Tôi nhớ rằng, một sáng thứ Bảy tôi nhận được một cuộc gọi và phát hiện rằng người ta đang cố phát tán các tin nhắn nhạy cảm thông qua Facebook Messenger, xuất phát từ cả hai phía trong cuộc xung đột" - Zuckerberg đáp lại một câu hỏi của Klein về vai trò của Facebook trong biến cố Rohingya, "cuộc xung đột" mà Zuckerberg nói ở trên.
Từ tháng 8/2017, những người Rohingya theo đạo Hồi đã bị buộc phải chạy trốn khỏi Myanmar - vốn là một quốc gia Phật giáo - bởi nỗ lực "thanh tẩy" các dân tộc thiểu số của lực lượng an ninh Myanmar, một biến cố mà Liên Hiệp Quốc miêu tả là "có mọi yếu tố của nạn diệt chủng". Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra rằng những tuyên bố thù hận (hate speech) trên Facebook chính là công cụ để người dân quốc gia này tuyên truyền chống người Rohingya và làm tình hình giữa hai tôn giáo trở nên trầm trọng hơn.
Zuckerberg cho biết các tin nhắn bị Facebook phát hiện "chủ yếu nói với những người theo Đạo Hồi rằng Phật Giáo sắp có một cuộc nổi dậy, do đó bạn nên chuẩn bị vũ khí và đến điểm tập kết đi". Phía Phật Giáo cũng gởi và nhận các tin nhắn với nội dung tương tự.
Nỗ lực của Facebook nhằm ngăn chặn những tin nhắn kia được gởi đi cho thấy họ đang tập trung vào vấn đề ngăn chặn các hành vi xấu trên các nền tảng của mình. Nhưng điều này cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về quyền riêng tư của người dùng và phương thức cụ thể mà Facebook theo dõi ứng dụng Messenger. Công ty này hiện đang bị áp lực đè nặng liên quan đến việc xử lý các dữ liệu cá nhân của người dùng sau vụ scandal Cambridge Analytica. Nghiêm trọng hơn, cũng trong hôm nay, Facebook tiết lộ rằng thực ra Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng chứ không phải 50 triệu như những công bố ban đầu.
Nhiều người cảm thấy Facebook chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ đối với dữ liệu người dùng, và Zuckerberg sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc công ty của anh đã, đang và sẽ làm gì với dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân vào ngày 11/4 sắp tới.
Người phát ngôn của Facebook Messenger cho biết các thông tin thu thập được từ việc quét ứng dụng Messenger - vốn từng được tích hợp vào Facebook trước khi tách ra thành một ứng dụng riêng vào năm 2014 - không được dùng cho mục đích quảng cáo. Facebook tuyên bố hãng đã sử dụng các công cụ và thuật toán để tự động quét các đoạn hội thoại tương tự như những gì họ làm để giám sát một phần của mạng xã hội của mình, và đội ngũ quản lý sẽ chỉ "nhảy vào" khi được báo động về một thứ gì đó khác thường hay có dấu hiệu vi phạm rõ rệt.
Người dùng Messenger thực ra có một tuỳ chọn để bật tính năng mã hoá tin nhắn, tuy nhiên tính năng bảo mật này lại mặc định bị tắt đi!