
Anh Trần Đình Thông (phường Thành Sen, tỉnh Hà Tĩnh) hiện là sinh viên năm cuối của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Thời điểm này, anh đang phải vật lộn với khóa luận tốt nghiệp, và để tiết kiệm thời gian, anh tin rằng AI chính là chìa khóa. Chỉ cần gõ câu lệnh yêu cầu trên ứng dụng Gemini, một vài giây sau AI trả về một dàn ý chi tiết, có số liệu và ví dụ minh họa. Anh Thông chỉ việc ghép nối, chỉnh sửa vài câu chữ, và bài luận dài 5 trang đã hoàn thành chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ. AI đã biến việc học từ một hành trình đòi hỏi sự miệt mài, nghiền ngẫm thành một công thức giải toán: nhập đề bài, nhấn Enter, và nhận kết quả.

“Tôi bắt đầu sử dụng AI cách đây đã gần 2 năm. Ở thời điểm hiện tại, có thể nói người người, nhà nhà dùng công cụ này nên bản thân mình cũng phải tận dụng triệt để nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Hơn nữa, AI thực sự tiết kiệm thời gian cho bản thân tôi bởi nó có khả năng phân tích, tổng hợp rất cao nên tôi không cần động não quá nhiều trong việc học tập của mình” – anh Trần Đình Thông chia sẻ.
Còn đối với anh Lê Thanh Trường (xã Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), một thợ chụp ảnh, không giấu giếm việc anh phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo như các công cụ Chat GPT, Grok,... Với anh, AI không còn là công cụ chỉnh sửa ảnh, mà đã trở thành một trợ lý truyền thông, một cây bút ảo, giúp anh giải quyết bài toán lớn nhất của một thợ ảnh: tiếp thị và kết nối.
Anh Trường bày tỏ: “Trước đây, mỗi khi cần đăng một bài viết quảng cáo ảnh lên mạng xã hội, tôi lại phải ngồi hàng giờ, vò đầu bứt tóc để nghĩ ra một câu chuyện hấp dẫn. Công việc này chiếm hết thời gian và năng lượng sáng tạo, làm bản thân không còn đầu óc để tập trung vào việc chụp ảnh và hậu kỳ. Giờ đây, với việc “nghệ sĩ cầm máy ảnh, AI “cầm bút” – studio của tôi luôn có những content mới mẻ và quan trọng nhất cứ “cần là AI có”.
Có thể nói rằng chưa bao giờ thấy được sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI như thời đại hiện nay. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của những "cỗ máy biết tuốt". Từ chuyện học tập đến công việc, từ những thắc mắc giản đơn cho đến những câu hỏi hóc búa, câu trả lời giờ đây chỉ cách chúng ta một vài cú gõ phím. AI – trí tuệ nhân tạo, đã trở thành một "trợ lý" không thể thiếu, một người bạn đồng hành cho mọi thắc mắc.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Quản lý báo chí và xuất bản, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh chia sẻ: “Không thể phủ nhận sự hữu ích của AI. Với kho dữ liệu khổng lồ được tổng hợp từ khắp nơi trên thế giới, AI có thể đưa ra những câu trả lời nhanh chóng, chính xác và được sắp xếp gọn gàng. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, dễ dàng tiếp cận kiến thức và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Thay vì phải mất hàng giờ tìm kiếm trong sách vở hay các diễn đàn, chỉ vài giây sau, AI đã đưa ra một bản tóm tắt hoặc một danh sách các bước thực hiện.
Tuy nhiên, chính sự tiện lợi ấy lại đang ngầm tạo ra một sự lệ thuộc. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đang có xu hướng bỏ qua việc tư duy độc lập. Khi gặp một vấn đề, phản ứng đầu tiên không phải là suy nghĩ mà là "hỏi AI". Quá trình tìm tòi, phân tích, hay thậm chí là sai lầm để rút ra bài học dần bị lược bỏ. Họ chọn tin tưởng vào AI tuyệt đối, vì AI luôn đưa ra câu trả lời nhanh chóng và có vẻ như "hoàn hảo" – điều này đang kìm hãm sự sáng tạo mà đáng ra phải luôn được phát triển”.

Đồng quan điểm, ông Võ Tự Đức - chuyên gia Google Workspace (người Việt Nam đầu tiên tại Đông Nam Á được Google công nhận danh hiệu Google Developer Expert) nói: “Sự trỗi dậy của AI không phải là một điều xấu, nhưng sự lệ thuộc quá mức vào nó thì có. Ví dụ, khi bạn hỏi AI về một vấn đề bất kỳ, nó có thể vô tình cung cấp một góc nhìn phiến diện dựa trên dữ liệu mà nó được huấn luyện, và người dùng dễ dàng chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên. Dần dần, sự phụ thuộc vào các câu trả lời "có sẵn" này làm suy giảm khả năng phân biện, đặt câu hỏi, và hình thành quan điểm cá nhân. Đó là lúc công cụ thông minh đã bắt đầu trở thành một "người thao túng" tâm lý, không phải bằng lời nói trực tiếp mà bằng cách lặng lẽ định hình cách chúng ta tiếp cận và xử lý thông tin”.

Không phủ nhận độ thông minh và khả năng tổng hợp tri thức với độ chính xác cao của “cỗ máy biết tuốt” AI, nhưng từ thực tế trải nghiệm của người trong cuộc cũng cho thấy sự lệ thuộc AI hay không, lệ thuộc đến mức nào lại là do người dùng. Cũng phải nói thêm, AI là những công cụ mang tính dự đoán, độ tin cậy của thông tin có thể xác thực cao nhưng không phải là tuyệt đối. Người dùng có khả năng đánh giá nghiêm túc nguồn thông tin, kiểm tra độ xác thực từ câu trả lời của AI. Ngược lại, các mô hình ngôn ngữ của AI không có khả năng tìm hiểu tính chính xác của thông tin mà người dùng cung cấp.
Ông Lê Anh Tú - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Hà Tĩnh khẳng định: Rất có thể sẽ còn nhiều ứng dụng tiên tiến khác xuất hiện trong tương lai. Những cỗ máy “biết tuốt” kiểu như AI sẽ là công cụ đắc lực của đời sống để nâng tầm tư duy, cải thiện năng suất, chất lượng làm việc và tiếp tục chắp cánh cho sự sáng tạo. Vấn đề là mỗi người và mỗi lĩnh vực liên quan sẽ phải tự mình thay đổi, điều chỉnh để đón nhận công nghệ với một tâm thế tích cực, chủ động. Có như vậy thì các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI nói chung mới được khai thác một cách hiệu quả, phục vụ cho tư duy và hành động, thay vì lệ thuộc, thụ động để rồi bị công nghệ dẫn dắt và chi phối”.
Ông Võ Tự Đức - chuyên gia Google Workspace cho biết thêm: “Quan trọng nhất là người dùng phải phân định rõ ràng giữa sự thay thế và sự hỗ trợ. AI sẽ trở thành công cụ đắc lực, giúp chúng ta tự động hóa những công việc lặp lại, xử lý dữ liệu khổng lồ và đưa ra các dự báo chính xác. Nhưng con người vẫn giữ vai trò là người điều khiển, người định hướng”.
Khi AI làm những việc của máy móc, con người sẽ có thêm thời gian và được giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, người dùng phải luôn tỉnh táo và không ngừng sáng tạo – đó mới chính là bản sắc cá nhân mà không bất cứ công cụ AI nào có thể sao chép hay đưa ra dự báo.