Gần 80 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn

(Baohatinh.vn) - Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến cuối năm 2019, thế giới có 79,5 triệu người phải đi tha hương.

Gần 80 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn

Tính đến cuối năm 2019, thế giới có gần 80 triệu người phải đi tha hương. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo một báo cáo được UNHCR công bố hôm nay (18/6), tính đến cuối năm ngoái, cứ 97 người trên thế giới thì có 1 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

“Một phần trăm dân số thế giới không thể trở về nhà của họ do chiến tranh, khủng bố, vi phạm nhân quyền và các hình thức bạo lực khác”, người đứng đầu UNHCR - ông Filippo Grandi nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Pháp AFP.

Con số 79,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn bao gồm cả những người xin tị nạn, người di tản trong nước và người tị nạn ở nước ngoài.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, có gần 46 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở những nơi khác trong chính nước của họ, 26 triệu người trốn qua biên giới với tư cách là người tị nạn, 4.2 triệu người khác đang xin tị nạn. Con số 3,6 triệu người Venezuela chạy ra nước ngoài được UNHCR tính riêng.

Trong báo cáo ra năm ngoái, UNHCR cho hay, tính đến cuối năm 2018, toàn thế giới có 70,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tha hương.

“Đây là một xu hướng đã diễn ra từ năm 2012: những con số cao hơn so với năm trước đó”, ông Grandi nói và chỉ ra rằng điều này có nghĩa là “đã có nhiều xung đột hơn, đã có nhiều bạo lực hơn đẩy mọi người ra khỏi nhà của họ”.

Theo ông Grandi, điều này cũng có nghĩa là, “chưa có đủ những giải pháp chính trị” cho các cuộc xung đột và khủng hoảng, giúp mọi người dân yên tâm trở về nhà.

Người đứng đầu UNHCR cho biết thêm, chỉ trong 10 năm, số người phải di dời đã tăng nhanh từ mức khoảng 40 triệu lên gần 80 triệu.

“Vì vậy về cơ bản nó đã tăng gấp đôi. Và chúng tôi không thấy xu hướng này giảm dần”, ông Grandi nói.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, 68% số người tị nạn trên thế giới từ 5 nước gồm Syria, Venezuela, Afghanistan, Nam Sudan và Myanmar.

Syria là quốc gia có số người đi di cư đông nhất thế giới năm ngoái, với 13,2 triệu người, tương đương 1/6 trong tổng số những người phải tha hương trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019.

(Theo AFP)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.