Mức phạt cao, ý thức chấp hành vẫn… thấp!
Tháng 3/2017, ông N. - chủ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, vận chuyển hàng hóa cho khách vào một tỉnh miền trong. Khi đi đến địa phận tỉnh khác, cảnh sát giao thông kiểm tra thì không xuất trình được phù hiệu chạy xe vận tải hàng hóa (thường dán trước kính xe), bị phạt trên 10 triệu đồng. Sau chuyến đó, ông N. mới tức tốc lên Sở GTVT Hà Tĩnh làm thủ tục đề nghị cấp phép phù hiệu chạy xe theo quy định.
Nhiều xe kinh doanh vận tải chưa chấp hành thủ tục cấp phù hiệu vẫn hoạt động bình thường (ảnh chụp tại TX Kỳ Anh).
Anh Nguyễn Xuân T. (một lái xe tải ở Kỳ Anh) thành thực cho hay: “Thường thì chúng tôi chỉ chú ý đến việc chấp hành tốc độ, tải trọng, dừng đỗ, kiểm định phương tiện… nói chung là những vấn đề liên quan trực tiếp trước mắt đến ATGT, chứ không để ý đến phù hiệu chạy xe theo quy định. Thực sự, tôi không biết mức phạt cho hành vi vi phạm này lại cao đến vậy (9-14 triệu đồng)…
Ông Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 3.775 xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, nhưng hiện chỉ có 850 xe (đạt 22,5%) được cấp phù hiệu chạy xe theo quy định. Nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp, như: Can Lộc 6/114 xe được cấp phù hiệu, Đức Thọ 30/300 xe, Hương Sơn 15/164 xe…
Thời gian qua, mặc dù đơn vị đã tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cấp phù hiệu chạy xe trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trên trang thông tin điện tử của sở, gửi văn bản đến các địa phương, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai cấp phù hiệu chạy xe vận tải hàng hóa vẫn chưa cải thiện được là bao.
Nguyên nhân được xác định là do ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, phần khác là vì chính quyền địa phương các cấp chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng xử lý chưa mạnh tay đối với các phương tiện vi phạm…”.
Xử phạt mức cao hay gắn với yêu cầu đăng kiểm phương tiện?
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, nhằm đưa phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa vào quản lý một cách tốt nhất, góp phần đảm bảo TTATGT, thời gian tới, các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm không gắn phù hiệu với mức cao nhất theo quy định tại Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
“Thực tế cho thấy, các chủ phương tiện sau khi bị phạt tiền triệu, mới vội vàng đến để làm thủ tục cấp phù hiệu” - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Nguyễn Xuân Bảo thông tin.
Trung tá Nguyễn Công Dũng - Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho rằng, ngoài tăng cường xử phạt mạnh tay, thì có thể giải quyết vấn đề trên bằng cách gắn yêu cầu đăng ký, làm thủ tục phù hiệu kinh doanh vận tải với vấn đề kiểm định phương tiện vận tải đó. Cụ thể, phương tiện vận tải khi đến kiểm định, ngoài các yêu cầu khác, Sở GTVT cần phối hợp với cơ quan kiểm định, yêu cầu chủ phương tiện (có phương tiện bắt buộc phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu chạy xe) làm thủ tục cấp phù hiệu chạy xe (nếu chưa được cấp phù hiệu); việc kiểm định chỉ được hoàn tất khi chủ phương tiện đã được cấp phù hiệu.
“Điều này, không cần huy động nhiều người, phương tiện như tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, lại có thể góp phần giải quyết vấn đề từ gốc” - Trung tá Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh.