Ngày 25/8, nhiều người dùng nhận được email giả mạo ngân hàng Vietcombank hỗ trợ mùa dịch. Khi đăng nhập vào đường dẫn trang web mà email này đưa tới, người dùng sẽ bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, nhiều khách hàng của Vietcombank nhận được email từ địa chỉ vietcombank.uudai7@gmail.com với nội dung “VCB xin gửi đến khách hàng gói hỗ trợ Covid là 800.000 đồng. Quý khách truy cập vào link bên dưới để nhận gói hỗ trợ”.
Trang giả mạo Vietcombank lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của người dùng.
Từ đường dẫn Google Form mà kẻ gian cung cấp, người dùng được yêu cầu vào trang web uudai.sbs/vcb để nhận ưu đãi. Trang web giả mạo có giao diện tương tự trang đăng nhập của ứng dụng Vietcombank trên di động. Sau khi điền số điện thoại và mật khẩu, trang web này yêu cầu người dùng nhắn tin lên tổng đài có đầu số 6167 để nhận mã OTP đăng nhập.
Ngay lúc này, đối tượng sẽ nhập thông tin tài khoản của khách hàng vừa cung cấp để Vietcombank gửi mã OTP về số điện thoại của người dùng. Nếu khách hàng không cảnh giác, cung cấp mã OTP cho đối tượng, tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt.
Trong bài đăng trên nhóm người dùng Vietcombank, nhiều chủ tài khoản cho biết cũng nhận được tin nhắn lừa đảo này. Một số thành viên trong nhóm cảnh báo các khách hàng khác cẩn thận, tuyệt đối không được đăng nhập tài khoản ngân hàng vào những trang web có đường dẫn không đúng của Vietcombank dù có giao diện tương tự.
Không chỉ có Vietcombank, một số ngân hàng khác cũng bị nhiều đối tượng lừa đảo mạo danh. Ngày 26/8, nhiều tài khoản Facebook chia sẻ thông tin sai sự thật, mạo danh ngân hàng Sacombank, thông báo tặng túi thuốc cho bệnh nhân F0. Phía Sacombank khẳng định đây là thông tin giả mạo.
“Hiện nay, mạng xã hội đang lan truyền thông tin việc Sacombank cấp phát 10.000 túi thuốc cho bà con kèm danh sách số điện thoại liên hệ tại các quận huyện. Sacombank xin thông báo đây không phải thông tin chính thống của ngân hàng”, trang chính thức của Sacombank thông báo.
Ngày 29/7, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) cảnh báo hiện có một số trang web lợi dụng tình hình dịch bệnh để giả mạo thông tin các tổ chức nhà nước để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Trung tâm NCSC đề nghị người dùng Internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.
NCSC khuyến nghị người dùng Internet cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy gồm: giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…