Các loại thép trên thị trường Hà Tĩnh hiện có giá dao động 18 – 19 triệu đồng/tấn.
Sau nhiều lần tăng giá liên tiếp, giá thép các loại trên thị trường Hà Tĩnh thời điểm này dao động từ 18 - 19 triệu đồng/tấn. So với đợt cuối năm 2021, giá thép hiện nay đã tăng khoảng 1,1 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho biết: Từ đầu năm 2022 tới nay, giá thép đã tăng 4 lần (2 lần trong tháng 1 và 2 lần trong tháng 2), trong đó lần gần đây nhất là ngày 18/2 với mức tăng 330.000 đồng/tấn. Dù giá tăng song đầu năm, nhiều công trình xây dựng khởi công nên thị trường thép khá sôi động. Dự báo nhu cầu tiêu thụ cao, doanh nghiệp đã nhập về nguồn hàng đầy đủ các loại thép cuộn, thép thanh của các hãng như Tisco, Việt Mỹ, Việt Sing... để đảm bảo cung ứng cho khách hàng.
Theo ông Sơn cũng như các chủ kinh doanh thép trên địa bàn tỉnh, giá thép tăng cao do đầu năm là cao điểm “mùa xây dựng”, nhu cầu tiêu thụ thép cao. Thêm vào đó, hiện nay, giá chi phí đầu vào như giá xăng dầu, nguyên liệu sản xuất tăng dẫn đến giá phôi thép tăng.
Ông Phạm Văn Thông lo lắng khi giá thép liên tục tăng trong thời điểm thi công ngôi nhà.
Theo ghi nhận, giá thép tăng “chóng mặt” thời điểm này khiến nhiều người dân đang thi công công trình chật vật vì chi phí xây dựng bị đẩy lên cao so với tính toán ban đầu.
Đổ móng nhà vào cuối năm 2021 và đang chuẩn bị thi công, ông Phạm Văn Thông (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) không khỏi lo lắng khi giá thép liên tục tăng. Ông Thông cho biết: "So thời điểm trước năm 2022, giá thép hiện nay đã cao ngất ngưởng, tính ra chi phí sắt thép tăng thêm hơn 30 triệu đồng. Do giá đắt đỏ nên tôi phải tính toán chặt chẽ hơn để tiết kiệm chi phí tốt nhất. Tôi đang lo, không chỉ sắt thép mà nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch đá... cũng tăng theo thì chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều”.
Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng khối lượng lớn sắt thép làm vật liệu xây dựng, việc giá thép liên tục “nhảy vọt” đã đẩy các doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn bởi nhiều công trình đấu thầu ở thời điểm giá thép thấp bị đội vốn.
Giá thép tăng cao khiến nhiều công trình của Công ty CP Xây lắp tổng hợp Trường Long bị đội vốn.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - kế toán Công ty CP Xây lắp tổng hợp Trường Long (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) cho hay: “Vật liệu sắt thép tăng giá dẫn đến nhiều công trình bị đội vốn cao, gây khó cho doanh nghiệp. Vừa rồi, riêng chênh lệch giá sắt thép của 3 công trình lớn, công ty phải chịu thiệt hơn 3 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Không chỉ vậy, thời điểm này, giá xăng dầu tăng mạnh cũng gây áp lực và thiệt hại không nhỏ đối với công ty".
Ông Tô Huy Phương - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hà Mỹ Hưng (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho biết: “Giá thép liên tiếp tăng và ở mức cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Với những dự án đang thi công, có những công trình công ty đấu thầu ở thời điểm giá thép khoảng 15 triệu đồng/tấn, nay giá cao nên chúng tôi phải bù lỗ. Một số gói thầu được điều chỉnh giá vật liệu khi giá thị trường có biến động, tuy nhiên mức điều chỉnh cũng không thể đạt được như giá thép trên thị trường hiện nay”.
Với giá nhiên liệu xăng dầu đang trên đà tăng, các nhà thầu xây dựng và người dân lo ngại giá thép cũng chưa ngừng tăng.
Theo các chủ đầu tư và các chủ cơ sở kinh doanh thép trên địa bàn, trong năm 2021, giá thép đã trải qua nhiều đợt tăng và đạt đỉnh điểm vào tháng 5/2021 với mức giá gần 20 triệu đồng/tấn thép. Sau đó, với các giải pháp nỗ lực kéo giảm giá thép của các bộ, ngành, Chính phủ, giá thép đã có phần “hạ nhiệt”, tuy nhiên, chưa giảm được bao lâu thì giá thép đã quay trở lại đà tăng.
Với giá nhiên liệu xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng và đạt đỉnh điểm trong vòng 17 năm qua, các nhà thầu xây dựng và người dân lo ngại giá thép cũng chưa ngừng tăng, điều này sẽ gây thêm áp lực, khó khăn và làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh.