Giá thép “hạ nhiệt”, người dân mừng, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo!

(Baohatinh.vn) - Sau nhiều lần tăng, hiện giá sắt thép đã có chiều hướng “hạ nhiệt”. Động thái này giúp nhiều người tiêu dùng Hà Tĩnh “dễ thở” hơn, song, với các doanh nghiệp xây dựng, mức giảm này vẫn chưa thể khiến họ bớt áp lực...

Giá thép “hạ nhiệt”, người dân mừng, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo!

Giá thép đã quay đầu giảm sau thời gian dài tăng cao.

Theo ghi nhận, giá thép trên thị trường Hà Tĩnh bắt đầu tăng từ quý 4 năm 2020. Vào thời điểm tháng 10/2020, giá thép là 12 triệu đồng/tấn, đến tháng 3/2021, giá thép là 16 - 17 triệu đồng/tấn và lập đỉnh vào khoảng tháng 5 với mức 19,5 triệu đồng/tấn. Mức giá này khiến người tiêu dùng, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn vì công trình “đội vốn” cao.

Vào giữa tháng 6, giá sắt thép bắt đầu có chiều hướng giảm dần. Hiện tại, giá thép các loại nằm ở mức từ 17 – 18 triệu đồng/tấn.

Giá thép “hạ nhiệt”, người dân mừng, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo!

Tổng giảm 3 đợt vừa qua đối với thép cuộn là 2 triệu đồng/tấn.

Anh Nguyễn Duy Tùng – Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho biết: Sau thời gian dài tăng giá “phi mã” thì vừa qua, giá thép trong nước đã có 3 đợt giảm. Cụ thể, thép cuộn giảm 2 triệu đồng/tấn và thép dây giảm 1 triệu đồng/ tấn. So với đợt đỉnh điểm gần 20 triệu đồng/tấn thì giá hiện nay xấp xỉ 18 triệu đồng/tấn.

Theo anh Tùng, ở thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ thép giảm do: các công trình chủ yếu khởi động vào đầu năm, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên các dự án xây dựng giảm hoặc chậm tiến độ… Bởi vậy, các nhà máy sản xuất thép đã chủ động hạ giá để tăng sức mua.

Giá thép “hạ nhiệt”, người dân mừng, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo!

1 cây thép trước đây anh Nguyễn Quốc Thắng (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) mua là 325.000 đồng thì nay giảm còn 318.000 đồng.

Giá thép quay đầu giảm đã tạo những tín hiệu tích cực cho nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Quốc Thắng (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi đang xây ngôi nhà 2 tầng, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt thép tăng mạnh suốt thời gian vừa rồi khiến chi phí bị đội lên so với dự tính ban đầu. Ước tính công trình nhà ở của tôi tiêu tốn khoảng 10 tấn thép nên khi giá thép giảm, chúng tôi rất mừng. Chẳng hạn, trước tôi lấy 1 cây thép giá 325.000 đồng thì nay còn 318.000 đồng. Tính tổng thể cũng giảm được khá nhiều”.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng thì với mức giá “hạ nhiệt” như hiện nay vẫn chưa thể khiến họ giảm áp lực. Bởi lẽ, giá sau khi giảm vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2020 nên các doanh nghiệp vẫn đang phải bù lỗ đối với các dự án, công trình ký hợp đồng nhận thầu từ trước thời điểm tăng giá.

Giá thép “hạ nhiệt”, người dân mừng, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo!

Giá thép tăng cao kỷ lục thời gian vừa qua khiến Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Tĩnh phải bù lỗ khoảng 2 tỷ đồng tiền thép công trình cầu Hồng Phúc.

Dự án xây dựng cầu Hồng Phúc (TX Hồng Lĩnh) có tổng mức đầu tư phần xây lắp gần 22 tỷ đồng, được Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Tĩnh triển khai thi công từ tháng 2/2021.

Với công trình này, doanh nghiệp sử dụng trên 200 tấn thép. Điều đáng nói là giá thép thời điểm đấu thầu trên 12,2 triệu đồng/tấn trong khi cao điểm thi công dự án thì giá thép tăng kỷ lục (trên 19 triệu đồng/tấn). Tính riêng tiền thép của cầu Hồng Phúc, doanh nghiệp phải bù lỗ ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Phạm Hồng Phong – Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Tĩnh thông tin: “Không riêng dự án cầu Hồng Phúc mà 6 dự án khác công ty đang triển khai đều thuộc dạng hợp đồng trọn gói, không được điều chỉnh giá. Mặc dù thiệt hại nặng nề song doanh nghiệp vẫn nỗ lực huy động công nhân, phương tiện đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thi công chất lượng với mục tiêu giữ thương hiệu cho doanh nghiệp và đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn từ chủ đầu tư”.

Giá thép “hạ nhiệt”, người dân mừng, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo!

Giá thép giảm nhưng không đáng kể khiến Công ty CP Xây dựng và Thương mại Anh Tú vẫn phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi công trình.

Trong khi đó, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Anh Tú (thị trấn Cẩm Xuyên) cũng phải bù lỗ hơn 300 triệu đồng với dự án xây dựng Trường Tiểu học Yên Hòa.

Ông Lê Văn Hòa – Phó Giám đốc công ty cho biết: “Dự án khởi công tháng 5/2021 với quy mô nhà 2 tầng, 14 phòng học, sử dụng trên 65 tấn thép. Một bất lợi đối với đơn vị là giá thép thời điểm thi công tăng quá cao (19 triệu đồng/tấn) so với giá thép thời điểm đấu thầu (13 triệu đồng/tấn). Đây là dự án hợp đồng trọn gói nên không được điều chỉnh giá. Giá thép tăng cao đã gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn thi công, làm móng sử dụng khối lượng thép rất lớn trùng vào đợt giá thép cao kỷ lục nên càng thiệt hại”.

Theo ông Hòa, hiện nay, giá thép có chiều hướng giảm, song mức giảm chưa đáng kể nên doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bù lỗ. Không chỉ bù lỗ hơn 300 triệu đồng với dự án Trường Tiểu học Yên Hòa, 4 công trình công ty đang thực hiện trên địa bàn khác của tỉnh cũng phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng do giá thép tăng.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào neo ở mức cao, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu thi công đang phải cân đối các phương án để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Các chủ doanh nghiệp kỳ vọng các ban, ngành có những đề xuất với Chính phủ để đưa giá thép về mức bình ổn như trước đây, qua đó, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.