Nhận thi công cầu Hội, thị trấn Cẩm Xuyên từ cuối năm 2020 nhưng đầu năm 2021, Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Á (Cẩm Xuyên) mới được bố trí nguồn vốn để triển khai thi công. Ở thời điểm nhận thầu, giá sắt thép được niêm yết 12,5 triệu đồng/tấn nhưng hiện tại, mức giá đã lên đến 19,5 triệu đồng/tấn khiến cho doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.
Giá sắt thép tăng cao khiến doanh nghiệp thi công cầu Hội (thị trấn Cẩm Xuyên) gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Á cho biết: “Đơn vị vừa mới nhập một lô thép hơn 40 tấn, tính ra chi phí đội hơn 280 triệu đồng so với thời điểm công trình được phê duyệt. Sắp tới, công ty sẽ phải nhập thêm khối lượng lớn sắt thép để phục vụ thi công nhưng với đà tăng giá như hiện nay thì chúng tôi sẽ phải bù lỗ rất nhiều. Tính chung cả công trình cầu Hội, chi phí đội lên do giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 12%, riêng chi phí sắt thép đội lên từ 40 – 50% so với thời điểm doanh nghiệp nhận thầu”.
Các công trình sử dụng nhiều sắt thép như: nhà làm việc, nhà học, cầu, cống, kênh mương… bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá “leo thang”
Không riêng Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Á, thời điểm này, các nhà thầu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang “lao đao” vì biến động tăng của giá vật liệu xây dựng.
“Các nhà thầu thi công các dự án như: nhà làm việc, nhà học, cầu, cống, kênh mương… bị ảnh hưởng nhiều nhất. Phần lớn các dự án này đều có hình thức hợp đồng trọn gói nên việc điều chỉnh giá không thực hiện trong trường hợp phát sinh trượt giá. Vì vậy, rất nhiều nhà thầu gặp khó khăn do giá thép tăng cao, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình”, ông Trần Ngọc Quang - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Xuyên cho biết.
Gia đình anh Nguyễn Huấn (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) “lao đao” vì giá vật liệu xây dựng tăng nhanh.
Không chỉ nhà thầu gặp khó khăn, rất nhiều người dân đang xây nhà cũng khốn khổ vì giá vật liệu xây dựng tăng “phi mã” và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đang xây dở căn nhà hơn 200m2 ở phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh), anh Nguyễn Huấn cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi mới xong phần thô tầng 1, kinh phí đã hết hơn 450 triệu đồng. Trong đó, tiền xi măng, sắt thép hết hơn 160 triệu đồng, tăng hơn 48 triệu đồng so với dự toán ban đầu. Qua tham khảo nhiều nguồn thông tin, tôi sợ giá sẽ còn cao nữa nên vẫn đang cố đẩy nhanh tiến độ thi công”.
Thép hiện có giá 19,5 triệu đồng/tấn, tăng 7,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm cuối năm 2020.
Theo khảo sát, giá sắt thép trên thị trường Hà Tĩnh bắt đầu đà tăng từ quý 4 năm 2020 đến nay. Cụ thể, tại thời điểm tháng 10/2020, giá thép là 12 triệu đồng/tấn, đến tháng 3/2021, giá thép là 16 triệu đồng/tấn và ở thời điểm hiện tại đạt mức 19,5 triệu đồng/tấn.
Giá thép biến động không chỉ tác động xấu tới người tiêu dùng mà ngay cả các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh cũng bị “cuốn theo” cơn bão giá.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải xuất bán thép
Ông Nguyễn Duy Tùng – Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (Thạch Hà) cho biết: “Cả 2 lĩnh vực hoạt động của công ty đều bị ảnh hưởng. Ở mảng thi công, Viết Hải đang phải chịu lỗ ở một số dự án đang triển khai. Ở mảng kinh doanh, do giá thép tăng cao, một số nhà thầu đang trì hoãn thi công để chờ giá thép hạ nhiệt nên kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty cũng phải điều chỉnh, nhất là điều chỉnh nhập nguyên liệu đầu vào”.
Trước tình trạng “leo thang” không ngừng của giá sắt thép và một số vật liệu xây dựng khác, ngày 10/5, Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường…
Kho thép của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải.
Triển khai chỉ đạo của Bộ, Sở Xây dựng Hà Tĩnh đang tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng; dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.
Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cũng đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.