Hà Tĩnh: Dịch bệnh hoành hành, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cùng với giá thức ăn liên tục “leo thang” không chỉ gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi mà nhiều đại lý kinh doanh thức ăn tại Hà Tĩnh cũng lâm vào cảnh lao đao...

Hà Tĩnh: Dịch bệnh hoành hành, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao

Giá thức ăn tăng cao nên người dân chỉ mua lẻ số lượng ít để về phục vụ hoạt động chăn nuôi.

Hoạt động kinh doanh của chị Nguyễn Thị Vịnh - chủ đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi Vịnh Mưu (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) đang gặp không ít khó khăn khi các hộ chăn nuôi lợn mua chịu thức ăn, chưa có tiền để trả thì bị thiệt hại do dịch bệnh. Trước tình hình đó, cơ sở đành phải khoanh nợ tạm thời và chưa biết khi nào mới lấy lại được.

Chị Vịnh cho biết: “Hoạt động kinh doanh từ sau “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi hồi năm 2019 chưa khôi phục được bao nhiêu thì nay dịch bệnh trở lại với diễn biến phức tạp hơn. Đối với chăn nuôi lợn, phần lớn các hộ thường mua chịu, quay vòng 4 - 6 tháng, khi bán xong đàn mới có tiền để trả, nay lợn chết hết thì lấy đâu ra để thanh toán; số nợ trong dân hiện phải lên đến vài trăm triệu đồng. Nợ cũ vay ngân hàng để nhập cám về chưa trả hết, đại lý giờ còn phải xoay xở vay thêm nhiều nơi để duy trì hoạt động kinh doanh, chấp nhận hạn chế bán chịu cho người dân vì không có vốn xoay vòng".

Hà Tĩnh: Dịch bệnh hoành hành, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao

Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Hà Tĩnh phải hạn chế nhập hàng do lượng bán ra giảm mạnh.

“Hơn nữa, lượng thức ăn bán ra tại chỗ cho các đại lý lấy sỉ cũng giảm mạnh vì người dân ngại tái đàn. Trước đây, mỗi tháng, cửa hàng bán ra khoảng 25 - 30 tấn cám cho các đại lý nhỏ lẻ trên khắp địa bàn huyện Can Lộc nhưng 3 tháng trở lại đây chỉ loanh quanh ở mức 10 - 12 tấn”, chị Vịnh chia sẻ thêm.

Không chỉ các đại lý cung ứng lớn, nhiều cơ sở bán buôn nhỏ lẻ cũng gặp không ít khó khăn. Anh Hoàng Văn Đại - chủ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Cổ Đạm, Nghi Xuân cho biết: “Giá thức ăn nhập vào tính từ cuối năm 2020 so với hiện nay đã tăng 5 lần. Cộng thêm cảnh dịch bệnh triền miên từ đầu tháng 1/2021, người dân thiệt hại lớn, nên buôn bán, kinh doanh càng ế ẩm”.

Hà Tĩnh: Dịch bệnh hoành hành, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Cổ Đạm, Nghi Xuân gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao.

Theo ông Trần Hữu Đức - Giám đốc Doanh nghiệp phân phối thức ăn gia súc Đức Cần (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh), giá thức ăn gia súc đã tăng liên tục từ thời điểm cuối năm 2020 lại nay, trung bình tăng từ 30 - 40 nghìn đồng/bao (25kg) tuỳ dòng sản phẩm và hãng sản xuất nên để nhập được hàng về, số vốn bỏ ra của doanh nghiệp, đại lý là không hề nhỏ.

Việc kinh doanh đã khó bởi giá đầu vào cao giờ càng lao đao vì nhu cầu chăn nuôi giảm do dịch bệnh hoành hành, lượng thức ăn bán ra của nhiều đại lý phân phối trong đợt này đều giảm mạnh, số hàng tồn đọng tăng lên nhanh chóng.

Hà Tĩnh: Dịch bệnh hoành hành, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao

Theo khảo sát, các cơ sở đều ghi nhận sản lượng cám bán ra thị trường giảm trung bình từ 30 – 40%.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có hơn 450 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo khảo sát, các đơn vị đều ghi nhận sản lượng bán ra giảm trung bình từ 30 – 40%, doanh thu ở mức thấp vì gần như việc mua bán đều phụ thuộc rất lớn vào chăn nuôi nông hộ - khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất khi dịch bệnh diễn ra.

Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh rơi vào tình trạng khó thu hồi vốn. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi đang có giá rất cao, mua từ các công ty sản xuất thì phải “tiền tươi thóc thật” nên việc kinh doanh càng bị đình trệ, thua lỗ là khó tránh khỏi.

Hà Tĩnh: Dịch bệnh hoành hành, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo không nên tái đàn trong thời điểm hiện nay nên ngành kinh doanh thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn.

Thời gian tới, dự báo hoạt động của các chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi đang bị ảnh hưởng lớn do dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế. Các cơ sở đang cố gắng xoay xở nhiều cách để vượt qua khó khăn giai đoạn này như cắt giảm lượng hàng nhập về, hạn chế bán nợ, đa dạng hóa sản phẩm như cám gà, vịt, thủy sản... cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.
Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 140-1.000 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Cùng chiều với giá vàng thế giới, vàng trong nước cũng tăng theo với mức tăng 200.000 đồng, hiện ở mức 84,8 triệu đồng/lượng.