Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong khi chính quyền và đại đa số người dân Hà Tĩnh nỗ lực phòng chống dịch bệnh trên gia súc thì một số người lại có hành vi mua bán, giết mổ gia súc bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Vào hồi 7h ngày 9/4, tại cơ sở giết mổ tập trung thuộc địa bàn xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh chủ trì phối hợp Công an huyện Lộc Hà phát hiện Đặng Danh Nam (SN 1974, trú thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu) đang dùng xe ô tô tải mang BKS 38C-078.89 vận chuyển 1 con bò đã chết có tổng trọng lượng 400 kg chuẩn bị đưa vào lò giết mổ.

Thời gian qua, các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để thực hiện khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi (DTCLP), dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trong đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn để người dân không giấu dịch; thực hiện báo cáo khi gia súc có triệu chứng bị nhiễm bệnh; không vứt xác gia súc ra môi trường; không mua bán, vận chuyển gia súc bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc… được thông tin liên tục đến từng hộ dân.

Tuy nhiên, ngay giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, tình hình dịch bệnh trên gia súc đang diễn biến phức tạp, khó lường thì một bộ phận người dân, hộ kinh doanh vẫn phớt lờ các khuyến cáo để thực hiện hành vi mua bán, giết mổ gia súc bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc tại các vùng đang có dịch đưa ra thị trường.

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Ông Dương Xuân Hải (xã Sơn Giang, Hương Sơn) phớt lờ cảnh báo của ngành chuyên môn, mua bò không rõ nguồn gốc về giết mổ.

Tối ngày 17/4 vừa qua, chính quyền xã Sơn Giang nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân tại nhà ông Dương Xuân Hải ở thôn 2 đang tổ chức giết mổ bò “chui”. Qua kiểm tra, ông Hải khai báo mua bò ở huyện Đức Thọ về làm thịt nhưng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm dịch động vật. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 12/4, Công an huyện Đức Thọ phối hợp Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã phát hiện xe ô tô mang BKS 90C-081.14 do tài xế Phan Văn Long (SN 1989, trú tại huyện Kim Bảng, Hà Nam) điều khiển, chở 50 con lợn giống có trọng lượng 500 kg bị nhiễm DTCLP.

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Lực lượng chức năng huyện Đức Thọ đã phát hiện xe ô tô chở 50 con lợn giống có trọng lượng 500 kg bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Chính những hành động thiếu ý thức, bất chấp hậu quả của một số người dân, hộ kinh doanh đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác khoanh vùng, dập dịch của chính quyền, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng khiến người tiêu dùng ngày càng “quay lưng” với sản phẩm từ thịt động vật.

Chị Lê Thị Huyền Thương (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Biết được thông tin có hiện tượng buôn bán, vận chuyển, giết mổ bò, lợn bị nhiễm dịch trên địa bàn tỉnh nên tôi càng lo lắng. Tâm lý người tiêu dùng luôn chọn phương án an toàn, vì thế, tôi cũng tạm thời hạn chế sử dụng và chế biến các sản phẩm từ thịt bò, lợn trong thời gian này”.

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Các địa phương cần phải thực hiện kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia súc chặt chẽ hơn trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Việc buôn bán, giết mổ, kinh doanh lợn, bò không đúng quy định cũng đang làm nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh lao đao. Chị Trần Thị Thủy - tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Thịt lợn bày bán được tôi mua về từ lò mổ, có kiểm dịch, đóng dấu đầy đủ nhưng bà con vẫn không tin tưởng. Trong lúc tâm lý của người dân đang nghi ngại thì những việc làm sai trái đó khiến họ càng thêm né sử dụng thịt lợn, trâu, bò, khiến hoạt động buôn bán khó khăn thêm”.

Theo quy luật cung - cầu của thị trường, khi người tiêu dùng giảm sử dụng, tiểu thương, các lò mổ hạn chế nhập hàng thì chính người chăn nuôi lại càng khốn đốn hơn. Mặc dù theo quy định ở thời điểm này, trước khi xuất bán gia súc, người chăn nuôi phải liên hệ với chính quyền để thực hiện kiểm dịch, đảm bảo vật nuôi không có bệnh trước khi cung cấp ra thị trường; thế nhưng, việc tìm được mối để xuất chuồng cũng rất khó khăn.

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, các sản phẩm từ thịt lợn, bò ế ẩm vì bị người tiêu dùng “quay lưng”.

Chị Phạm Thị Thảo (xã Xuân Lộc, Can Lộc) lo lắng: “Dịch bệnh trên địa bàn huyện đang phức tạp nên gia đình muốn bán sớm gần 10 con lợn có trọng lượng từ 55 - 60 kg sau nhiều tháng chăm bẵm. Thế nhưng, nhiều ngày nay, tôi đã liên hệ lái buôn mà vẫn chưa xuất bán được".

Ngoài vấn đề ý thức người chăn nuôi, hộ kinh doanh, qua kiểm soát của ngành chuyên môn cấp tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đang còn nhiều tồn tại, hạn chế như: công tác giám sát dịch bệnh thiếu chặt chẽ, phát hiện, báo cáo dịch chậm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa đạt yêu cầu; việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia súc còn lơ là…

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Gia súc khi có dấu hiệu nhiễm bệnh phải được báo cáo để chính quyền kiểm tra và tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: “Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, các đơn vị liên quan cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn đến các tổ chức, cá nhân việc tuyệt đối không được vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc nghi nhiễm bệnh, bị bệnh, chết.

Cùng đó, các địa phương cấp huyện, xã phải có trách nhiệm tổ chức điều tra, theo dõi xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, trâu, bò với mục đích giết mổ; rà soát liên tục tổng đàn để theo dõi biến động tại cơ sở để nắm tình hình…

Đặc biệt, trong Công điện số 280-CĐ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, nhất là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm để dịch kéo dài, lây lan”.

Mua bán, giết mổ “chui” gia súc khác gì phá hại công tác phòng dịch ở Hà Tĩnh

Các địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động buôn bán, giết mổ tại lò mổ, chợ dân sinh, điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tuyến giao thông.

Là địa phương thực hiện khá tốt công tác kiểm tra, giám sát trong phòng chống dịch bệnh trên gia súc, ông Lê Văn Thuận – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Trong thời gian qua, huyện đã phối hợp với các địa phương và lực lượng công an tăng cường nắm bắt, theo dõi thông tin về hoạt động buôn bán, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn. Qua đó, đã xử phạt 31 trường hợp buôn bán sản phẩm thịt không qua kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc không đủ điều kiện, giấy tờ trong vùng có dịch.

Từ nay đến hết tháng 6, đoàn liên ngành cấp huyện sẽ tổ chức đợt cao điểm ra quân kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ tại lò mổ, chợ dân sinh, điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tuyến giao thông… để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để tạo tính răn đe”.

Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y:

- Phạt tiền từ 60 - 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy; không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y (Khoản 5, Điều 8)

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.