Tiệm phở Thìn Hà Nội (đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) là một trong những quán ăn đông khách trên địa bàn nhưng cũng phải đóng cửa từ ngày 20/3 đến nay.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP Hà Tĩnh, những ngày qua, nhiều quán, hàng kinh doanh thường xuyên sử dụng thịt bò, thịt lợn để chế biến món ăn đều trở nên vắng vẻ. Thậm chí, một số quán ăn sáng “chuyên” phở bò, bún bò đã buộc phải đóng cửa vì không có khách hàng lui tới.
Anh Nguyễn Mạnh Tưởng - Chủ tiệm phở Thìn Hà Nội (đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Khách không có nên mình đành đóng quán từ ngày 20/3 đến nay. Mặc dù, thịt bò của cửa hàng cũng được chọn lựa kỹ từ lò mổ về, đảm bảo tươi ngon mới có thể làm ra bát phở đạt chất lượng được. Nếu tình trạng này kéo dài thì mình cũng không biết xoay xở như thế nào vì còn phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên và chi phí khác…”
Chị Nguyễn Thị Loan - Chủ tiệm chuyên kinh doanh bánh mì phải bớt lượng thịt nhập về vì khách hàng sụt giảm.
Còn chị Nguyễn Thị Loan - Chủ tiệm chuyên kinh doanh bánh mì (đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Người dân lo sợ dịch bệnh nên buôn bán ế ẩm lắm. Mình vốn kinh doanh thịt lợn trong chợ Vườn ươm đã phải nghỉ bán 3 tuần qua do có quá ít người mua. Giờ thì tiệm bánh mì của gia đình cũng giảm lượng bán ra. Bình thường phải từ 9 - 10 kg thịt lợn/ngày, nay chỉ còn 4 - 5kg/ngày. Như mình còn bán được 1 ít cầm cự chứ sát ngay đây có quán phở bò trước đó rất đông khách mà giờ cũng phải tạm đóng cửa rồi”.
Hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, lượng khách đến quán bị sụt giảm nghiêm trọng. Một số cửa hàng đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh vì “càng mở cửa càng lỗ”.
Bổ sung thêm món mới, đóng cửa nghỉ sớm,... là giải pháp đươc nhiều cửa hàng, quán ăn lựa chọn trong thời điểm này.
Những quán hàng đang cố gắng hoạt động cũng đã đồng loạt cắt giảm, sắp xếp lại món ăn sao cho phù hợp với tình hình. Cùng với đó, phải tính toán lại số lượng thực phẩm nhập về để cân đối với lượng khách đến quán, tránh tình trạng ế ẩm, thua lỗ.
Anh Trần Văn Nam - Chủ quán ăn ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) cho biết: “Phở bò, bún bò là món chủ lực tại quán mình, nhưng giờ người dân không hề gọi. Mình phải kiếm loại thực phẩm khác thay thế như gà, cá, tôm,… bổ sung vào thực đơn cho cửa hàng để khách có thêm lựa chọn”.
Tại chợ TP Hà Tĩnh, hoạt động kinh doanh ế ẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt bò.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Bộ NN&PTNT, dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Tuy nhiên, các loại vi-rút này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay, quay lưng hoàn toàn với thịt trâu, bò, lợn.
Hà Tĩnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các lò mổ để cung ứng thịt an toàn ra thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
"Người tiêu dùng, tiểu thương kinh doanh, chủ nhà hàng, quán ăn,... cần thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các sản phẩm thịt rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch rõ ràng tại các điểm kinh doanh tập trung; cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi.
Hiện nay, các địa phương cũng đang tiếp tục tăng cường quản lý các lò mổ trên địa bàn nhằm đảm bảo hoạt động đúng quy định, công tác kiểm dịch được chú trọng hơn để cung ứng nguồn thịt an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng" - ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh trao đổi.