Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội

(Baohatinh.vn) - Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội là nét đặc sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn trong quá trình xây dựng, trưởng thành của quân đội ta.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra đội quân chủ lực đầu tiên của các lực lượng vũ trang - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đời sống mới trong quân đội theo Hồ Chí Minh là toàn bộ giá trị văn hóa, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, gắn chặt với từng đơn vị, lĩnh vực công tác; quan hệ chặt chẽ với địa phương, các khu vực, địa bàn đóng quân của các đơn vị.

Xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội là xây dựng, thực hành đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Theo đó, trong quân đội: Kỷ luật phải cực kỳ nghiêm, vì "Kỷ luật là sức mạnh quân đội"; phải biết chính trị ít nhiều; siêng tập luyện; phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; chú ý việc vệ sinh; phải tạo được phong trào “Bộ đội này thi đua với bộ đội khác”; và đặc biệt phải ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu, vì "Nhân dân là nền tảng", là "cái gốc" để sinh ra quân đội. “Không có dân thì không có bộ đội", "Dân như nước, quân như cá”1. Nếu "bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định thắng lợi"2

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN

Để xây dựng và thực hành đời sống mới hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu: Phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục"3; thực hiện việc giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ nhằm xây dựng nhân cách người quân nhân toàn diện, tổng hợp cả phẩm chất và năng lực; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ quân đội. Hành động của cán bộ là mệnh lệnh không lời đối với chiến sĩ; tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua, việc sơ kết, tổng kết…

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng ta trong quá trình giáo dục, rèn luyện, xây dựng quân đội ta. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, một lòng một dạ tận trung với Đảng, với Tổ quốc, tận hiếu với dân; lập nên những thành tích vẻ vang, chiến thắng lẫy lừng, giành lại độc lập tự do cho đất nước, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nước ta cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đổi mới và hội nhập. Cùng với xu thế hòa bình, hợp tác đang phát triển thì các hoạt động khủng bố, chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang vẫn tiếp diễn... Trong điều kiện đó, quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới không những còn nguyên giá trị mà còn mang tính hiện thực sâu sắc trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hành đời sống mới trong quân đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh: TTXVN

Yêu cầu cao nhất vẫn là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt công tác quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; trong tất cả các nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện xây dựng, lao động sản xuất và làm nghĩa vụ quốc tế; thường xuyên coi trọng và tiến hành có hiệu quả công tác tư tưởng trong Đảng bộ quân đội và trong toàn quân; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội có đủ phẩm chất và năng lực, chính trị và quân sự không tách rời nhau, “Quân sự mà không có chính trị, như cây không có gốc, vô dụng lại có hại"4; thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội…

Để làm tròn trách nhiệm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, Quân đội nhân dân Việt Nam phải thực sự là đội quân hùng mạnh. Một đội quân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Một quân đội cách mạng kiểu mới, vừa đạo đức, vừa văn minh.

Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn quân đang ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, việc thực hành đời sống mới trong quân đội theo tư tưởng của Người nói riêng càng phải được chú trọng, và thực hiện một cách nghiêm túc để quân đội ta thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà Nhân dân trao tặng.

1, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG – ST, H.2011, t.7, tr.76, 217; 2- Hồ Chí Minh: sđd, t.5, tr. 485; 3- Hồ Chí Minh: sđd, t.14, tr.435; 4 - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 81 - 82.

Phan Bá Linh

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).