Giá xăng sẽ giảm mạnh về 22.000 đồng/lít?

Giá xăng có khả năng về khu vực 22.000 đồng/lít nếu giá dầu thế giới tiếp tục "đổ đèo" như thời gian qua.

Ngày 12/9 là đến kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định. Trong bối cảnh giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giảm sâu, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh tới có cơ hội giảm mạnh.

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 7/9 giảm nhẹ ở mức 104,1 USD/thùng xăng RON 95, xăng RON 92 ở mức 99,4 USD/thùng, dầu diesel ở mức 131,3 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 105,4 USD/thùng xăng RON 92; 108,86 USD/thùng xăng RON 95 và 143,02 USD/thùng dầu diesel.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh cho biết gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 700 - 900 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 900 - 1.000 đồng/lít.

Do đó, dự báo kỳ điều hành ngày 12/9, giá xăng sẽ giảm tương ứng khoảng 700 - 900 đồng/lít, dầu giảm quanh mức 1.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.

Giá xăng sẽ giảm mạnh về 22.000 đồng/lít?

Giá xăng sẽ giảm mạnh về 22.000 đồng/lít?

Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết hiện giá dầu thô đang dao động quanh ngưỡng 83-89 USD/thùng, đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm. “Do đó dự kiến giá xăng dầu trong nước sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/lít, đưa giá xăng về mức hơn 22.000 đồng/lít”, người này cho hay.

Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9, liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng trong nước giảm 366 - 439 đồng, xuống 23.359 - 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít, vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu trong nước vì giá xăng thường cao hơn giá dầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%). Trong khi xăng RON95 và E5 RON92 đã giảm về mức tương đương giá đầu tháng 1.

Đề xuất giảm tiếp thuế với xăng dầu để hạ áp lực lạm phát

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, tại tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó để ổn định, phát triển” ngày 8/9, TS Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho rằng cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí với xăng dầu.

Các loại thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt (trừ dầu), bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng.

Từ 11/7, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm kịch khung, còn 1.000 đồng với mỗi lít xăng, dầu 500 - 700 đồng một lít, kg. Tức là giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550 - 1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT).

Ông Khôi đề nghị nhà chức trách cân nhắc giảm thuế VAT với xăng dầu đến hết năm nay và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu như nhiều nước đã áp dụng.

Nhiều ý kiến đề xuất giảm tiếp thuế với xăng dầu để hạ áp lực lạm phát. Ảnh minh họa.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho hay chi phí nhiên liệu chiếm 30 - 40% của ngành logistics. Giá nhiên liệu liên tục tăng cao làm tăng chi phí, ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông nói các doanh nghiệp logistics, vận tải mong muốn cơ quan quản lý thực hiện ngay các biện pháp giảm thuế, ổn định giá xăng dầu ít nhất hết quý II/2023 để giúp họ hồi phục, ổn định sản xuất.

Phương án giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu từng được Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội nên không thể áp dụng ngay. Thông thường Quốc hội họp hai kỳ một năm và kỳ họp gần nhất là tháng 10.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, về công tác quản lý giá đối với một loạt mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Đồng thời, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Theo VTV

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.